QUAN HỆ MYANMAR - TRUNG QUỐC THỜI GIAN GẦN ĐÂY

06/09/2016

QUAN HỆ MYANMAR - TRUNG QUỐC THỜI GIAN GẦN ĐÂY

Dù chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Thein Sein đã có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại nhằm giảm bớt sự phụ thuộc quá mức của Myanmar vào Trung Quốc, Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Myanmar, đặc biệt liên quan đến việc lập lại hòa bình ở các khu vực dọc biên giới hai nước. Ngược lại, ngoài dự án đập Myitsone bị đình chỉ xây dựng từ tháng 9 năm 2011, Trung Quốc còn có nhiều lợi ích kinh tế và chính trị khác ở nước này. Do vậy, trong năm 2016, đặc biệt từ tháng 6, chính phủ do Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) lãnh đạo và chính phủ Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ hữu nghị cùng có lợi.

Về phía Trung Quốc, theo đài phát thanh Hoa Kỳ (VOA), trong tháng 6 năm 2016, Trung Quốc đã triển khai một loạt những chiến dịch định hướng dư luận và vận động hành lang ở Myanmar mà người ta vẫn thường gọi là cuộc tấn công quyến rũ (charming deffensive):

- Ngày 4 tháng 6, Đại sứ Trung Quốc Hong Liang thăm bang Kachin để vận động hành lang cho việc khởi động lại dự án đập Myitsone bị đình chỉ xây dựng từ tháng 9 năm 2011.

- Ngày 8 tháng 6, Quỹ hữu nghị Pauk Phaw Swe Myo Trung Quốc – Myanmar được thành lập.

- Ngày 11 tháng 6, một cuộc diễu hành (caravan trip) Trung Quốc – Myanmar được tuyên bố sẽ diễn ra vào tháng 10 - để thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước1.

Ngoài ra Trung Quốc cũng rất ủng hộ những nỗ lực lập lại hòa bình ở phía bắc Myanmar của chính phủ do NLD lãnh đạo. Vào tháng 7, Bộ trưởng An ninh Nhà nước Trung Quốc Geng Huichang có chuyến thăm Myanmar bất thường để gặp Suu Kyi. Cuộc họp tập trung vào vấn đề ở phía bắc Myanmar, kể cả sự hợp tác Myanmar – Trung Quốc về tiến trình hòa bình2.

Về phía Myanmar, mối lo ngại trước mắt và chủ yếu của chính phủ NLD là làm thế nào để phát huy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các tổ chức vũ trang sắc tộc dọc biên giới Trung Quốc – Myanmar nhằm mục tiêu đạt được hòa bình ở đây3. Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Aung San Suu Kyi đang cố gắng cải thiện quan hệ với nước láng giềng lớn ở phía bắc này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là vị khách nước ngoài đầu tiên bà mời và tiếp đón sau lễ nhậm chức của chính phủ NLD vào tháng 4. Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Viêng Chăn (Lào) vào tháng 7, Suu Kyi và Vương Nghị đã có buổi gặp gỡ riêng, xác nhận mong muốn hợp tác của cả hai nước trong khi không bàn đến các vấn đề khu vực và song phương đang gây tranh cãi. Hai bên cũng không thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông vì Myanmar không phải là bên liên quan trong vụ việc này4.  

Việc bà chọn Bắc Kinh (chứ không phải Washington) là điểm đến đầu tiên của mình với tư cách là nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar cho thấy dấu hiệu về một chính sách đối ngoại thân thiện hơn với Trung Quốc của chính phủ NLD.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 17 đến 21 tháng 8 năm 2016 (theo lời mời của Đảng cộng sản Trung Quốc), Aung San Suu Kyi đã khẳng định với Tập Cận Bình tại một cuộc họp báo rằng: “Tôi tin, là một nước láng giềng tốt, Trung Quốc sẽ làm mọi việc để có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình của chúng tôi”. Đáp lại, Chủ tịch Tập cũng đảm bảo Trung Quốc sẽ đóng một “vai trò tích cực” trong tiến trình hòa bình của Myanmar5.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp với Thủ tướng Lý Khắc Cường, Aung San Suu Kyi hứa sẽ có giải pháp thích hợp đối với dự án đập Myitsone6. Hai bên cũng ký kết một thỏa thuận nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng một cây cầu ở Kunlong, 32 km (20 dặm) từ biên giới ở vùng Kokang của Myanmar, nơi xảy ra cuộc xung đột giữa một nhóm nổi dậy sắc tộc người Hoa với quân đội chính phủ năm 2015. Theo lời một quan chức của Bộ ngoại giao Myanmar, Trung Quốc đã đồng ý xây dựng hai bệnh viện ở hai thành phố lớn nhất của Myanmar là Yangon và Mandalay7.



1 Xem Sai Wansai, Will a Chinese Charm Offensive Bring Rapprochement with Burma?, Thursday, August 18, 2016, http://www.irrawaddy.com/contributor/will-a-chinese-charm-offensive-bring-rapprochement-with-burma.html

2 Xem Yun Sun, Aung San Suu Kyi’s Visit to Beijing: Recalibrating Myanmar’s China Policy, 16 August 2016Article, https://www.tni.org/en/article/aung-san-suu-kyis-visit-to-beijing-recalibrating-myanmars-china-policy

3 Theo Ye Htut, nguyên Bộ trưởng thông tin và là người phát ngôn cho cựu Tổng thống Thein Sein: “Bởi vì hầu hết các tổ chức vũ trang sắc tộc vẫn chưa ký hiệp ước ngừng bắn – trừ hai nhóm ở miền nam – có căn cứ dọc biên giới Trung Quốc, chúng tôi hiểu rõ rằng vai trò của Trung Quốc là vô cùng quan trọng đối với tất cả chúng tôi” (Sai Wansai, Will a Chinese Charm Offensive Bring Rapprochement with Burma?)

 

4 Xem Elina Noor, ASEAN not so divided on the South China Sea, www.eastasiaforum.org/2016/08/17/asean-not-so-divided-the-south-china-sea/, 17 August 2016

5 Xem Jane Perlez and Wai Moe, China Helps Aung San Suu Kyi With Peace Talks in Myanmar, Aug.20, 2016, The New York Times

6 Trên thực tế, chính phủ Myanmar đã thành lập một ủy ban điều tra gồm 20 thành viên để tìm kiếm một giải pháp phù hợp cho vấn đề đập Myitsone trên cơ sở đánh giá và xem xét những lợi ích tiềm năng cho người dân Myanmar, từ đó đề xuất kiến nghị có nên tiếp tục dự án này hay không.

7 Xem Myanmar's Suu Kyi assures China of solution to stalled dam, http://www.reuters.com/article/us-china-myanmar-idUSKCN10T0LK

 

 


Đ.Đ (tổng hợp)


Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo