Dưới góc độ kinh tế đề tài đã làm rõ nội dung của bình đẳng giới và điều kiện đảm bảo cho sự bình đẳng giới; đưa ra cách nhìn về bình đẳng giới từ góc độ kinh tế, làm rõ tính phổ biến trong cơ sở lí luận, tính đặc thù có tính chất quốc gia của Việt Nam cho bình đẳng giới. Nêu kinh nghiệm của một số nước trong việc thực hiện cơ sở kinh tế của bình đẳng giới.
Việc phân tích bình đẳng giới trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã chỉ rõ sự phát triển kinh tế Việt Nam vừa phải tuân thủ những quy luật khách quan của kinh tế thị trường, vừa tuân theo tính đặc thù của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, sự điều tiết của Nhà nước với tính ưu việt là tăng trưởng kinh tế cao, bảo đảm công bằng, bình đẳng xã hội, bình đẳng giới.
Những kinh nghiệm về bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế của một số nước trên thế giới cũng chỉ ra sự cần thiết phải đưa vấn đề giới vào quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các nước, tuỳ thuộc vào đặc điểm riêng của mỗi nước, cũng như vào từng vùng và từng nhóm phụ nữ đặc thù.
Trong nền kinh tế hiện đại, mở cửa và hội nhập đã đặt ra nhiều cơ hội và thách thức với việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam. Phân tích tính hai mặt của nền kinh tế thị trường hiện đại, đặc biệt là những tác động tiêu cực của nó đến bình đẳng giới đã cho thấy vai trò hết sức quan trọng của Chính phủ trong việc xây dựng thể chế và những chính sách phát triển có sự lồng ghép giới. Xét trên góc độ chiến lược phát triển dài hạn, các yếu tố then chốt để tạo lập sự bình đẳng giới là: Cải cách thể chế để tạo quyền và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới; Đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm khuyến khích tham gia và phân bố nguồn lực bình đẳng hơn.
Nguyễn Vũ
thudt