“Những vấn đề lí luận và thực tiễn cơ bản của việc điều chỉnh pháp luật Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”

29/10/2008

“Những vấn đề lí luận và thực tiễn cơ bản của việc điều chỉnh pháp luật Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng làm chủ nhiệm, Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ quan chủ trì thực hiện được Viện Khoa học xã hội Việt Nam nghiệm thu ngày 22 tháng 3 năm 2008.

Hội đồng nghiệm thu gồm các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Hội đồng do GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam làm Chủ tịch. 
      Cho đến nay Việt Nam đã kí được hơn 1000 điều ước quốc tế song phương và là thành viên của gần 200 điều ước quốc tế đa phương. Ngày 10 tháng 10 năm 2001 Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế,  nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam luôn nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế mà mình đã kí kết là thành viên. Nhìn tổng thể vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam đều được ghi nhận bằng một công thức chung nhất, đó là: trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của luật (Bộ luật, Pháp lệnh, Nghị định) này thì áp dụng các quy định của điều ước quốc tế đó. Như vậy, Việt Nam đã chấp nhận quan điểm về giá trị ưu thế của điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc tham gia so với pháp luật trong nước và coi điều ước quốc tế là một bộ phận cấu thành của pháp luật Việt Nam, về phương diện hiệu lực thi hành điều ước quốc tế giữ vị trí thứ hai sau các quy định của hiến pháp và trước các quy định của bộ luật.

Cho tới nay trong các sách báo khoa học pháp lí quốc tế ở nước ta chưa có nhiều công trình nghiên cứu về mối tương quan giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, chưa có sách chuyên khảo nào nghiên cứu chuyên sâu về mối quan hệ này. Đề tài đã tập trung nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam và điều chỉnh pháp luật Việt Nam trên cơ sở yêu cầu của pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, bao gồm những nội dung sau:

- Những vấn đề lí luận về điều chỉnh pháp luật quốc gia phù hợp với pháp luật quốc tế - tính phổ biến và tính đặc thù;

- Quan điểm lí luận và thực tiễn của Việt Nam trong quá trình điều chỉnh pháp luật quốc gia phù hợp với pháp luật quốc tế;

- Nội dung chính của sự điều chỉnh pháp luật Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế.

- Một số kiến nghị về điều chỉnh pháp luật Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế.

Đề tài đạt loại khá. Trong thời gian tới đề tài sẽ được chỉnh sửa và in thành sách để ra mắt bạn đọc.

                                                        Nguyễn Thu Hà



Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo