Hội đồng tuyển chọn đã chọn được 03 đề tài nghiên cứu, đó là:
1. ”Nghiên cứu văn hóa: Một số vấn đề lí thuyết và thực tiễn nghiên cứu tại Việt Nam” do TS. Hà Thanh Vân làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài sẽ góp phần vào việc phổ biến các thông tin khoa học, giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận được với những nền tảng lí thuyết cơ bản về nghiên cứu văn hoá, từ đó có thể tìm tòi, kết hợp để tìm ra phương pháp phù hợp, áp dụng vào thực tiễn nghiên cứu của mình.
2. ”Người M’Dhul ở Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Hòa làm chủ nhiệm. Đề tài nghiên cứu tổng quan về người M’Dhul với mục tiêu chính là xác định nguồn gốc tộc người của nhóm cư dân này; tìm hiểu những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển xã hội học tộc người của người M’Dhul; qua đó nêu giải pháp và những kiến nghị giúp phát triển bền vững cộng đồng cư dân M’Dhul ở Việt Nam.
3. ”Hiện trạng đời sống văn học đồng bằng sông Cửu Long” do TS. Nguyễn Văn Kha làm chủ nhiệm. Đề tài tập trung tìm hiểu, khảo sát, đánh giá những quan hệ tương tác xã hội giữa cá nhân (hay nhóm cá nhân) thông qua các hoạt động sáng tác; nghiên cứu; phê bình; quảng bá văn học; sinh hoạt văn học như hội thảo, giao lưu giữa nhà văn với độc giả; hoạt động thưởng thức văn học… diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó xác định hiệu quả có tính xã hội của các tương tác giữa văn học và đời sống, ưu thế của các loại hình quảng bá văn học, nhu cầu và thị hiếu thẩm mĩ của công chúng trong việc thưởng thức văn học; sự đóng góp của văn học đồng bằng sông Cửu Long vào việc bảo tồn và phát huy những yếu tố văn hóa, văn học truyền thống. Từ kết quả này có thể cung cấp những thông tin cho đội ngũ sáng tác và hoạt động quảng bá văn học, văn hóa ở địa phương giúp họ phát huy chức năng xã hội của văn học trong đời sống thực tiễn.
Các đề tài trên được thực hiện từ 18 đến 24 tháng.
Nguyễn Vũ