Xác định tuổi mẫu gốm cổ Việt Nam bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang – một thể nghiệm thành công của các nhà khảo cổ học Viện Khoa học xã hội Việt Nam

29/10/2008

Cho đến nay, trong số những phương pháp khoa học tự nhiên dùng xác định niên đại đồ gốm và đồ đất nung, đáng chú ý là phương pháp đo tuổi nhiệt huỳnh quang (Thermolumenescence Dating). Trên thế giới, ở các nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến như: Mỹ, Pháp, Anh, Italia, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản…, phương pháp này rất được chú trọng. Các nhà khảo cổ học rất quan tâm ứng dụng và hoàn thiện phương pháp này và coi đây là một trong những phương pháp mới có khả năng chỉ thị niên đại cổ vật hữu hiệu với độ tin tưởng cao.

Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam, nghiên cứu áp dụng các phương pháp mới – đặc biệt là phương pháp xác định niên đại mẫu gốm bằng kĩ thuật nhiệt huỳnh quang là một trong vấn đề đang được giới khảo cổ học Việt Nam chú ý ứng dụng. Tuy vậy, cho đến nay, hầu như chưa có một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh nào về vấn đề này, ngoài một số bài viết nhỏ mang tính giới thiệu được công bố rải rác trên các tạp chí và kỉ yếu hội nghị khoa học về khảo cổ, vật lí và địa chất học…

Trước tình hình đó, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức thực hiện đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu xác định tuổi mẫu gốm cổ Việt Nam bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang”. Đề tài do TS. Nguyễn Quang Miên làm chủ nhiệm với sự tham gia của GS.TS. Lê Khánh Phồn, PGS.TS. Phạm Lý Hương, PGS.TS. Nguyễn Quang Liêm, TS. Nguyễn Thị Kim Dung, TS. Bùi Văn Loát và CN. Lê Cảnh Lam. Viện Khảo cổ học là cơ quan chủ trì thực hiện. Mục tiêu đặt ra cho đề tài là: Nghiên cứu các giải pháp thích hợp cho phép triển khai xác định tuổi mẫu gốm cổ nước ta bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang, từ đó đề xuất quy trình công nghệ xác định tuổi mẫu gốm cổ Việt Nam bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang áp dụng tại phòng thí nghiệm của Viện Khảo cổ học.

Sau hai năm thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả như sau: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thực địa về thu thập và lấy mẫu tại hiện trường khảo cổ: cách lấy mẫu và cách đo đạc các tham số địa vật lí, địa hóa học…; tiến hành các thí nghiệm về gia công chế tạo và xử lí hóa học mẫu đo, các giải pháp trong xử lí nhiệt độ và chiếu xạ mẫu, xây dựng các chuẩn liều và buồng đo liều phông thấp, xây dựng các phần mềm tính tuổi nhiệt huỳnh quang mẫu gốm cổ và đánh giá sai số cho phép đo; thiết lập “Quy trình công nghệ xác định tuổi mẫu gốm cổ Việt Nam bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang” áp dụng cho phòng thí nghiệm của Viện Khảo cổ học. Theo quy trình, công nghệ này thực hiện phân tích đối sánh với phương pháp đo tuổi carbon phóng xạ trên một số mẫu (13 mẫu). Trên cơ sở các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích xác định niên đại một số di vật bằng gốm hay đất nung trong một số di tích khảo cổ cụ thể, nhằm cung cấp thêm những tư liệu mới về niên đại trong nghiên cứu khảo cổ nước ta.

Kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần cung cấp những tư liệu và bằng chứng khoa học khách quan cho những tìm hiểu về sự phát triển cũng như mối giao lưu văn hóa qua đồ gốm của các cộng đồng dân cư trong thời kì tiền sử.

                                                                                            

                    PGS.TS.  Trần Đức Cường

 



Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo