Hội thảo Quốc tế: Triển vọng cấu trúc ở châu Á- Thái Bình Dương đến năm 2025 và đối sách của Việt Nam

19/04/2019

Sáng 19 tháng 4 năm 2019 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế: Triển vọng cấu trúc ở châu Á- Thái Bình Dương đến năm 2025 và đối sách của Việt Nam (The Prospect of Structure in Asia- Pacific to 2025 and Vietnam’s Response). Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ của đề tài cấp Nhà nước mã số KX.01.12/16-20 do GS.TS. Hoàng Khắc Nam (Khoa Quốc tế học) làm chủ nhiệm. Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học đến từ một số cơ quan nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Ngoại giao, Bộ Quốc phòng,…, các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Philippines, Thụy Điển, Đức…

Hội thảo tập trung thảo luận theo 2 phiên. Phiên thứ nhất bao gồm 3 báo cáo của GS. TS Hoàng Khắc Nam với nhan đề: Quan điểm về cấu trúc trong các lý thuyết quan hệ quốc tế, PGS.TS. Lê Văn Cương với tham luận “Bước đầu xác định cấu trúc an ninh châu Á- Thái Bình Dương” và TS. Nguyễn Hồng Quân: Xu hướng vận động của các cấu trúc an ninh- chính trị, kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương- một số tác động đến Việt Nam. Các nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận về quan điểm của các lý thuyết quan hệ quốc tế về vai trò và tác động của cấu trúc qua các lý thuyết Chủ nghĩa hiện thực, Chủ nghĩa Cấu trúc và Chủ nghĩa kiến tạo. Châu Á- Thái Bình Dương là một khu vực có nhiều đặc thù, vì thế cấu trúc và tác động của nó cũng sẽ có những đặc điểm riêng. Xem xét xu hướng vận động của ba ba cơ chế hợp tác là Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rông (ADMM+) do ASEAN làm chủ đạo từ nay tới năm 2025 và đề cập một số tác động đối với ASEAN và Việt Nam. Các tham luận cũng nhấn mạnh tới vai trò của các cường quốc trong trật tự thế giới ở châu Á-Thái Bình Dương.

Phiên thứ hai gồm 2 báo cáo của TS. Lê Đình Tĩnh về “Quan hệ Mỹ-Trung hiện nay và 5 năm tới: Tương quan so sánh lực lượng và tác động đến cấu trúc an ninh khu vực”, tác giả Lục Anh Tuấn với “Nhân tố Trung Quốc và vai trò trung tâm của ASEAN ở biển Đông: Tác động đến Việt Nam. Tại phiên này, các diễn giả đã phân tích “cận cảnh” và cập nhật về so sánh tương quan Mỹ, Trung Quốc cũng như những tác động từ sự tương tác của mối quan hệ này đến cấu trúc an ninh khu vực thời gian tới. Đề cập đến vai trò trung tâm của ASEAN ở biển Đông và đưa ra một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam.

Các diễn giả và khách mời cùng nhau thảo luận về Những vấn đề nổi bật hiện nay ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á, cấu trúc an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chiến lược của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga trong cấu trúc an ninh khu vực, triển vọng và thách thức của ASEAN trong cấu trúc quyền lực kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương…

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với nhiều bài tham luận và ý kiến chia sẻ có giá trị.


Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn


Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo