Hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác Hàn Quốc-Mekong là chủ đề của Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2019 do Hội đồng Tây Đông Nam Á - Hội đồng tư vấn Thống nhất Hòa bình Dân chủ Hàn Quốc phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức chiều 10/5/2019, tại Hà Nội.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-Hyon khẳng định thống nhất hòa bình Bán đảo Triều Tiên, tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc với Việt Nam và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong đang trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới học giả nghiên cứu, cũng như các nhà hoạt động thực tiễn ở Việt Nam và Hàn Quốc.
Chia sẻ những mong muốn về một nền hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhận định: Hơn 70 năm qua, Bán đảo Triều Tiên thống nhất, hòa bình, thịnh vượng không chỉ là khát vọng cháy bỏng của nhân dân hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, mà còn là mong ước chân thành của nhân dân Việt Nam cũng như toàn thể những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tiếp nối những thành quả đã đạt được của Diễn đàn Hòa bình Hàn Quốc – Mekong năm 2018 và các Diễn đàn vì hòa bình Hàn Quốc – Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội trong các năm trước. Diễn đàn lần này sẽ tập trung thảo luận hai nội dung chính: Thứ nhất, phân tích, đánh giá triển vọng và các nhiệm vụ của việc xây dựng nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên; Thứ hai, thảo luận về việc tăng cường hợp tác Hàn Quốc – Mekong, nhất là tác động của Chính sách hướng Nam mới của chính phủ Hàn Quốc đối với sự phát triển quan hệ hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng chung giữa Hàn Quốc và Việt Nam; Hàn Quốc và các quốc gia tiểu vùng sông Mekong trong thời gian tới.
Theo đó, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm mong muốn Diễn đàn sẽ cung cấp được nhiều ý kiến tham luận có tác dụng gợi ý tốt cho việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng như quan hệ hợp tác của Hàn Quốc với Tiểu vùng sông Mekong, góp phần tích cực vào việc tạo dựng một nền hòa bình, thịnh vượng bền vững trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Á…
Với hai phiên làm việc: Phiên 1: Triển vọng và nhiệm vụ thiết lập Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên; Phiên 2: Hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều tiên và hợp tác Hàn Quốc – Mekong. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận sau vào các vấn đề liên quan đến triển vọng và nhiệm vụ thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Nhiều ý kiến quan tâm tới việc tăng cường hợp tác Hàn Quốc-Mekong, nhất là tác động của chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc đối với sự phát triển quan hệ hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng chung giữa Hàn Quốc và Việt Nam, Hàn Quốc và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực ASEAN và nguyên tắc 3P (People, Prosperity, Peace - Con người, Thịnh vượng, Hòa bình); khả năng hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Chia sẻ quan điểm về đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế và những kinh nghiệm tham khảo cho Triều Tiên, TS. Nguyễn Thị Thắm, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cho rằng, những thành quả từ công cuộc Đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam là nguồn cổ vũ cho Triều Tiên học tập và đúc rút kinh nghiệm; Những đổi mới từng bước từ tư duy, phương pháp quản lý nhà nước trong nông nghiệp, doanh nghiệp… của Việt Nam sẽ rất bổ ích cho Triều Tiên trong thời gian đầu phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa…
Đánh giá vai trò của Việt Nam trong triển khai chính sách Phương Nam mới của Hàn Quốc tại các nước Tiểu vùng sông Mekong, PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng chia sẻ: Với sự tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực Việt Nam đã luôn có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng cơ chế tổ chức hoạt động, trao đổi với các nước để tìm kiếm các hình thức phối hợp hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề chung cũng như với các lĩnh vực cụ thể liên quan đến đầu tư thương mại, phát triển nguồn nhân lực. Thông qua các hội nghị, ký kết các Hiệp định hợp tác và chương trình, dự án cụ thể, Việt Nam đã cùng với các nước thành viên tạo lập được sự tin cậy, phối hợp hài hòa được lợi ích chung giữa các bên, nhờ đó có nhiều đóng góp thiết thực vào sự kết nối trong khu vực nhằm hỗ trợ cùng phát triển vì con người và phồn vinh chung. Hiện nay, khối lượng trao đổi thương mại của Việt Nam với Campuchia đạt 4,7 tỷ USD tăng 23% so với năm 2017, với Lào đạt 1,031 tỷ USD tăng 14,5%; với Myanma đạt 723,2 triệu USD tăng 7,2%, với Thái Lan đạt 11,2 tỷ USD (số liệu tính đến tháng 8/2018)… Những số liệu này cho thấy Việt Nam đã và đang là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp trong khu vực, hỗ trợ và có vai trò không nhỏ vào việc triển khai chính sách hướng Nam của Hàn Quốc trong thời điểm hiện nay.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam