Ngày 04/06/2019, tại Trường Đại học Vinh đã diễn ra Tọa đàm khoa học “Tác động của các nước láng giềng đến an ninh và phát triển của miền Trung Việt Nam trong thập niên tới”. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ của Đề tài 01/2018/NCUD “Địa chiến lược Việt Nam trong bối cảnh biến động địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương” do PGS.TSKH Trần Khánh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á là cơ quan chủ trì. Tham dự Tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và các nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh của Trường Đại học Vinh
Tọa đàm tập trung thảo luận 4 báo cáo chính. Bài trình bày của PGS.TSKH. Trần Khánh về “Không gian an ninh và phát triển của Việt Nam nhìn từ các nước láng giềng” đưa ra khái niệm không gian an ninh, phát triển của một quốc gia và các phạm trù liên quan, không gian an ninh và phát triển của Việt Nam nhìn từ các nước láng giềng. Bài viết nhấn mạnh, để có thể tạo dựng một không gian chiến lược hợp lý cho an ninh và phát triển của Việt Nam hiện nay và trong tương lai, cần thiết phải xem xét nhiều yếu tố, trong đó có nhân tố các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia và cận láng giềng như Thái Lan và nhiều nước khác ở Đông Nam Á.
Bài viết của PGS.TS.GVCC Nguyễn Công Khanh, Viện Sư phạm Xã hội - Đại học Vinh: “Nhân tố Thái Lan trong an ninh và phát triển miền Trung Việt Nam (trường hợp Nghệ An và Hà Tĩnh)” gồm 3 phần: - Thái Lan có phải là nước láng giềng của Việt Nam (trường hợp miền Trung, trong đó có Nghệ An và Hà Tĩnh) không? - Nhân tố Thái Lan trong an ninh và phát triển của Nghệ Tĩnh trong lịch sử (từ sau năm 1945 đến đầu thế kỷ XXI). - Nghệ An và Hà Tĩnh cần sử dụng nhân tố Thái Lan trong an ninh và phát triển hiện nay như thế nào?
TS. Nguyễn Văn Tuấn trong bài viết “Nhân tố Trung Quốc lục địa trong an ninh và phát triển của khu vực miền Trung Việt Nam: Trường hợp Nghệ An và Hà Tĩnh)” đã có những đánh giá sâu sắc về hưởng của Trung Quốc đối với an ninh và phát triển của Nghệ An và Hà Tĩnh trên các lĩnh vực kinh tế và an ninh-quốc phòng.
Khái quát về đầu tư của Đài Loan tại Nghệ An và Hà Tĩnh, bài viết “Nhân tố Đài Loan trong an ninh và phát triển của khu vực miền Trung Việt Nam (trường hợp Nghệ An và Hà Tĩnh)”, TS. Hắc Xuân Cảnh, Viện KHXH&NV, Đại học Vinh đã làm rõ tác động của đầu tư từ Đài Loan đến an ninh, kinh tế-xã hội và môi trường của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ở cả hai góc độ tích cực và tiêu cực.
Sau phần trình bày các tham luận, các nhà khoa học, giảng viên tham dự Tọa đàm đã có những thảo luận sâu hơn về từng bài viết, cũng như những vận động mới của bối cảnh khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng tác động đến an ninh và phát triển của Việt Nam.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, PGS.TSKH. Trần Khánh đánh giá cao các tham luận trình bày cũng như những trao đổi tại Tọa đàm. Chủ nhiệm đề tài khẳng định, những nội dung được thảo luận tại Tọa đàm là những tài liệu, thông tin, quan điểm quý báu cho các thành viên đề tài tham khảo trong quá trình thực hiện đề tài.
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á