Ngày 17/11/2020, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ tới các quốc gia Đông Nam Á hải đảo (trường hợp Indonesia và Malaysia)”. Đề tài do TS. Phạm Thanh Tịnh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại Khá.
Kết quả nghiên cứu chính của đề tài
Đề tài đã khái quát hóa được về khu vực Đông Nam Á hải đảo, trong đó chú trọng vào văn hóa bản địa của khu vực (trong đó có Indonesia và Malaysia) trước khi tiếp nhận sự giao lưu tiếp biến của văn hóa Ấn Độ. Đây chính là tiền đề để nhóm công trình nhận diện được những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa khu vực sau khi có sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ.
Đề tài đã khái quát những nét chính của nền văn minh cổ đại Ấn Độ, những nét mang tính nổi trội, khác hẳn với nền văn hóa bản địa khu vực Đông Nam Á nói chung, Đông Nam Á hải đảo nói riêng.
Đề tài cũng đã làm rõ quá trình du nhập của văn hóa Ấn Độ vào các quốc gia Đông Nam Á hải đảo trong đó có Indonesia và Malaysia.
Đề tài đã phân tích một cách hệ thống, khoa học và đã nhận diện một cách khái quát những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa các quốc gia Đông Nam Á hải đảo trên những bình diện chính trong đời sống văn hóa xã hội như: Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ về xây dựng nhà nước và hệ tư tưởng quốc gia; Ảnh hưởng về ngôn ngữ, chữ viết; Ảnh hưởng về văn học; Ảnh hưởng về tôn giáo; Ảnh hưởng trong kiến trúc, hội họa; và Ảnh hưởng trong lễ hội, ẩm thực.
Qua quá trình nghiên cứu những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á hải đảo, đề tài đã nêu lên được những đóng góp của văn hóa Ấn Độ trong việc hình thành các quốc gia cổ đại cũng như đóng góp của nó trong việc xây dựng các giá trị văn hóa mới của khu vực Đông Nam Á hải đảo. Điều này khẳng định tầm ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á nói chung, Đông Nam Á hải đảo nói riêng.
Đề tài cũng đã rút ra được đặc điểm căn bản của quá trình du nhập văn hóa Ấn Độ vào khu vực Đông Nam Á hải đảo.
Đề tài cũng đưa ra những nhận xét, đánh giá về sự tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ của các quốc gia Đông Nam Á hải đảo trên cả hai bình diện tích cực và hạn chế.
Đề tài đã cung cấp một số cứ liệu khoa học cho việc nghiên cứu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ tới các quốc gia Đông Nam Á nói chung.
Qua thực tiễn nghiên cứu những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á hải đảo, đề tài đã góp phần hiểu rõ hơn về văn hóa các nước trong khu vực, làm cơ sở cho việc xây dựng cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN ngày một gắn kết và hiểu biết nhau nhiều hơn.
Đề tài có giá trị trước hết là giá trị tư liệu. Nó đã cung cấp cho người đọc một hệ thống tư liệu phong phú về văn hóa bản địa Đông Nam Á hải đảo cả trong truyền thống và hiện đại. Những phân tích về văn hóa Đông Nam Á truyền thống bản địa của nó cũng như sự du nhập và ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ vào nó là những tư liệu giúp cho người đọc hiểu biết nhiều hơn về khu vực này.
Những phân tích, luận giải có cơ sở khoa học và thực tiễn, có minh chứng rõ ràng, cụ thể, những nhận xét, đánh giá có tính khả thi thể hiện tính mới của đề tài. Có thể sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài làm tài liệu tham khảo bổ ích cho các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động thực tiễn có liên quan ở Việt Nam.
Đề tài có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam hiện nay khi mà đất nước ta đang trong xu thế hội nhập với toàn cầu hóa, sự hội nhập đó đã và đang tạo ra những biến đổi văn hóa mạnh mẽ. Từ thực tiễn của văn hóa khu vực Đông Nam Á hải đảo, đề tài đã cung cấp một số gợi ý cho Việt Nam trong quá trình giao lưu, hội nhập hiện tại và tương lai.
Tất cả những đóng góp về mặt khoa học nêu trên có thể ứng dụng trong thực tiễn ở những mức độ khác nhau vào việc nghiên cứu tìm hiểu về các quốc gia trong khu vực ASEAN, góp phần cho Việt Nam trong hội nhập khu vực và quốc tế./.
Phòng QLKH và HTQT
Viện nghiên cứu Đông Nam Á