Ngày 17/11/2020, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Vị thế của Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”. Đề tài do PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại Khá.
Kết quả nghiên cứu chính của đề tài
Qua việc triển khai nghiên cứu các nội dung chính đề tài rút ra một số ý chính sau:
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Mỹ công bố và triển khai trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang có nhiều thay đổi như sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, cực tăng trưởng đang chuyển dịch sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vai trò và sự ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới đang có xu hướng suy giảm cộng với việc các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc nhận diện được tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và việc thực thi chính sách cũng như quan điểm của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có sự điều chỉnh để “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Trong quá trình thực thi và triển khai Chiến lược với những nội dung và mục tiêu cụ thể, nhưng về cơ bản là nhằm tạo ra một khu vực tự do, hòa bình và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, có một mục tiêu cốt lõi và rất quan trọng là làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại để thể hiện vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cũng như nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược cũng gặp phải một số khó khăn do phản ứng của một số nước nhưng nhìn chung, chiến lược này của Mỹ nhận được sự đồng thuận của nhiều nước trong khu vực và các nước đó thể hiện sự ủng hộ đối với chiến lược. Mặc dù mới bắt đầu thực hiện được ba năm, nhưng quá trình triển khai chiến lược cũng đã được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực thuộc các trụ cột chính của nó và đã thu được một số kết quả nhất định bước đầu. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cũng được cho là cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến BRI của Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng đối với khu vực và nhằm kiềm chế, cũng như kiểm soát Trung Quốc, đặc biệt là đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông và các khu vực khác có tranh chấp với các nước trong khu vực.
Quá trình triển khai Chiến lược đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao của các bên, các đối tác và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, thể hiện sự đồng tình đó, các bên tham gia đều đã đề xuất các phiên bản tầm nhìn hay định hướng chính sách của riêng mình về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và có rất nhiều điểm tương đồng trong cả nội dung cũng như mục tiêu đối với phiên bản gốc do Hoa Kỳ đề xuất là hướng tới xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rộng cho tất cả các bên liên quan, không chỉ đối với các nước trong “Bộ Tứ” mà còn với cả khu vực địa lý rộng lớn nhằm hướng tới xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thịnh vượng cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, cũng còn đó một chút khác biệt giữa quan điểm của các bên về mục tiêu chính của chiến lược này. Trong khi Mỹ nêu rõ quan điểm thực thi chiến lược để kiềm chế và chống lại Trung Quốc thì Ấn Độ mong muốn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được áp dụng trong chiến lược có tính bao hàm, tức là bao gồm cả Trung Quốc. Trong khi đó, hai bên còn lại trong “Bộ Tứ” là Australia và Nhật Bản lại không thể hiện rõ quan điểm này mà chỉ mong muốn tiến tới một chiến lược hợp tác khu vực tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho toàn khu vực.
Với các nước và các tổ chức không thuộc “Bộ Tứ”, ASEAN và EU về cơ bản cũng nhất trí với những nội dung và mục tiêu đề ra trong Chiến lược nhưng, giống như một số nước trong “Bộ Tứ”, cả ASEAN và EU đều mong muốn thúc đẩy hợp tác với cả các nước trong phạm vi địa lý của Chiến lược, bao gồm cả Trung Quốc. EU nêu rõ quan điểm là mong muốn vừa hợp tác vừa đấu tranh với Trung Quốc, trong khi ASEAN hầu như không đề cập đến Trung Quốc trong quan điểm mục tiêu chiến lược của mình mà ngụ ý mong muốn thúc đẩy hợp tác với cả Trung Quốc. Đây được cho là sự khác biệt tương đối lớn so với mục tiêu và nội dung chủ đạo của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc, cả giới học giả và giới tinh hoa chính trị nước này đều cho rằng Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là một chiến lược nhằm tập hợp lực lượng để chống lại và kiềm chế sự trỗi dậy và ảnh hưởng khu vực ngày càng lớn của Trung Quốc.
Về vị trí và vai trò của ASEAN/Đông Nam Á trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, thì hầu hết tất cả các bên tham gia trong “Bộ Tứ” như Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ân Độ đều đánh giá cao vai trò quan trọng của ASEAN/Đông Nam Á cũng như vị thế của tổ chức này và mong muốn ASEAN tiếp tục duy trì và củng cố vai trò trung tâm quan trọng trong Chiến lược này của Mỹ. Ngay cả bản thân ASEAN khi công bố AOIP cũng thể hiện việc ASEAN xây dựng tầm nhìn nhấn mạnh đến vai trò trung tâm, quan trọng của tổ chức này trong Chiến lược. Trong khi đó, mặc dù EU và hai nước thành viên có các định hướng chính sách đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Pháp và Đức cũng chưa thể hiện rõ lập trường cũng như quan điểm của mình đối với vai trò và vị thế của ASEAN/Đông Nam Á trong Chiến lược nhưng cũng có đề cập, mặc dù ngắn ngủi là ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong Chiến lược. Còn với Trung Quốc, nước này hầu như chưa thể hiện ý kiến gì về vấn đề này. Nhưng tựu chung lại, hầu hết các bên và các nước cũng như các tổ chức liên quan đều đánh giá cao vai trò quan trọng cũng như vị trí trung tâm của ASEAN/Đông Nam Á trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Trong thời gian tới, Chiến lược Ấn - Thái có thể xẩy ra theo một số khả năng nhưng quan điểm của nhóm nghiên cứu cho rằng Chiến lược Ấn - Thái trong thời gian tới có thể được triển khai một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhưng chưa xảy ra căng thẳng mang tính đối đầu với Trung Quốc. Theo đó, cục diện trong khu vực nhiều khả năng theo xu hướng vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa các nước lớn nhưng hợp tác có chiều hướng suy giảm và khả năng có thể xẩy ra là Hoa Kỳ và đối tác sẽ gây áp lực lên Trung Quốc, buộc quốc gia này phải trở lại thực thi hành vi đầu tư và thương mại theo quy tắc quốc tế thông thường. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây của khu vực và thế giới đã thay đổi nhiều và cũng có thể xu hướng Chiến lược sẽ có những điều chỉnh phù hợp với môi trường khu vực và quốc tế hiện hành. Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng như ASEAN cần bám sát, theo dõi và có những điều chỉnh cũng như cần có phản ứng phù hợp để tận dụng cơ hội vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển.
Phòng QLKH và HTQT
Viện nghiên cứu Đông Nam Á