Nghiệm thu đề tài cấp Bộ: “Hợp tác giữa Lào với các nước Tiểu vùng Mekong: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”.

31/12/2020

Ngày 18/11/2020, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Hợp tác giữa Lào với các nước Tiểu vùng Mekong: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”. Đề tài do TS. Nguyễn Ngọc Lan làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại Khá.

Kết quả nghiên cứu chính của đề tài

Với chiều dài hơn 4.800 km, sông Mekong là con sông dài nhất ở khu vực Đông Nam Á và là con sông lớn thứ 12 trên thế giới. Khu vực Tiểu vùng Mekong bao gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Tiểu vùng Mekong về cơ bản là một khu vực kinh tế tự nhiên gắn kết với nhau bởi dòng sông Mekong, có những điểm chung về lịch sử và văn hóa.

Từ năm 1986 khiCHDCND Lào thực hiện quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, quá trình hội nhập với khu vực của Lào nói chung và hợp tác song phương với các nước trong Tiểu vùng Mekong nói riêng ngày càng được thúc đẩy.

Về hợp tác song phương, do các nước trong Tiểu vùng Mekong đều là những nước láng giềng thân thiện, có những nét tương đồng trong phát triển kinh tế, lịch sử, văn hóa, lại chung dòng sông Mekong hùng vĩ, cùng là thành viên với nhiều tổ chức khu vực và thế giới như ASEAN, nên Lào đã rất coi trọng vấn đề hợp tác với các nước này. Cả 4 nước còn lại đều thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế, … với Lào từ rất sớm, là những đối tác thương mại, bạn bè láng giềng thân thiết, đóng vai trò to lớn trong quá trình phát triển của Lào, trong đó quan hệ hợp tác giữa Lào với Việt Nam và Thái Lan gặt hái được nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực.

Về hợp tác đa phương, với chính sách đối ngoại “đa hướng, đa phương và đa dạng, từng bước mở rộng quan hệ một cách thích hợp theo điều kiện và khả năng thực tế, gắn quan hệ về chính trị, ngoại giao với quan hệ hợp tác về kinh tế trong quan hệ quốc tế”, Lào đã và đang cố gắng hội nhập với thế giới thông qua các thể chế khu vực, trong đó có hợp tác Tiểu vùng Mekong. Hợp tác Tiểu vùng Mekong được thực hiện thông qua nhiều cơ chế hợp tác khác nhau như: hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS, thêm hai tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây), hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV), hợp tác bốn nước Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV), chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady – Chao Phraya - Mekong (ACMES), hợp tác Mekong – Lan Thương, v.v…; trong đó, hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được xem là gặt hái được nhiều thành công từ khi khởi xướng vào năm 1992 do Ngân hàng châu Á (ADB) tài trợ. Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được đánh giá là cơ chế hợp tác thành công nhất tại khu vực châu Á trong những năm vừa qua. Mục tiêu của GMS là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên, đưa tiểu vùng Mekong mở rộng thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Nhận thức được điều đó, giống như các thành viên khác, Lào đã rất tích cực tham gia các chương trình hợp tác của GMS. Có nhiều yếu tố tác động đến quá trình này, bao gồm cả nhân tố bên trong như tiềm năng hợp tác phù hợp, chủ trương chính sách đối ngoại của Lào, …lẫn các nhân tố bên ngoài như xu hướng hợp tác khu vực và quốc tế, lợi ích của GMS mang lại hay những thách thức từ chiến lược cạnh tranh của các nước lớn đang diễn ra tại khu vực buộc các nước liên quan phải gắn kết với nhau để đối phó.

Là một nước thành viên của Tiểu vùng Mekong, ngay từ khi hình thành các khuôn khổ và cơ chế hợp tác, Lào đã rất tích cực tham gia trên mọi lĩnh vực, từ kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng, đến hợp tác kinh tế, văn hóa –xã hội, hợp tác phát triển nguồn nhân lực hay các vấn đề an ninh phi truyền thống. Với lợi thế địa chính trị quan trọng, được dòng sông Mekong bao trọn nhiều diện tích lãnh thổ quốc gia, cộng với tiềm năng và nỗ lực của mình, Lào đã thu được nhiều lợi ích từ hoạt động hợp tác trong Tiểu vùng. Trao đổi thương mại với các nước trong khu vực không ngừng tăng lên; hệ thống giao thông vận tải được nâng cấp, góp phần phát triển kinh tế và thông thương quốc tế; tỷ lệ nghèo đói giảm dần; nguồn nhân lực được thúc đẩy; đời sống người dân được cải thiện. Mặt khác, tham gia hợp tác trong khuôn khổ Tiểu vùng Mekong, Lào cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định, hòa bình trong khu vực; kết nối các nước thành viên lại thành một thể thống nhất cùng phát triển; góp phần củng cố và phát triển kinh tế, xã hội của toàn khu vực Tiểu vùng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, hợp tác giữa Lào với các nước Tiểu vùng Mekong cũng bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm. Đó là vấn đề bảo vệ nguồn nước sông Mekong liên quan đến việc xây dựng và phát triển hệ thống nhà máy thủy điện; vấn đề phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn của nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) khiến mất tính chủ động trong hợp tác; vấn đề tìm nguồn năng lượng thay thế thủy điện; vấn đề phát triển nguồn nhân lực, v.v... Do tiềm lực kinh tế của Lào còn yếu kém, quy mô dân số ít, mức độ hội nhập khu vực và quốc tế chưa cao nên đã ảnh hưởng đến quá trình hợp tác của Lào với các nước trong Tiểu vùng Mekong nói riêng và hợp tác với khu vực và quốc tế nói chung. Lào cần phát huy hơn nữa lợi thế địa chính trị, quan hệ gắn bó lâu đời với các nước láng giềng, cải cách kinh tế, thể chế và mở rộng quan hệ đối ngoại, v.v... Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn và không thể một sớm một chiều trong bối cảnh nền kinh tế Lào đang hết sức khó khăn, cộng với các yếu tố bên ngoài như đại dịch COVID 19, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế toàn cầu...

Việt Nam giống như Lào có truyền thống quan hệ với các nước trong Tiểu vùng từ lâu đời, cùng tham gia hợp tác trong khuôn khổ Tiểu vùng Mekong ngay từ ban đầu. Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong các chương trình hợp tác của khu vực. Từ bài học của Lào trong hợp tác Mekong, Việt Nam cũng tham khảo được nhiều kinh nghiệm quý báu. Là nước hạ nguồn Mekong, việc Lào gia tăng xây dựng các đập thủy điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam cũng như hoạt động hợp tác của toàn khu vực. Nhằm củng cố và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Tiểu vùng Mekong nói chung, quan hệ Việt Nam –Lào nói riêng, Việt Nam cần tận dụng vị thế của mình tiếp tục chủ động đưa ra các sáng kiến hợp tác mới, có chiến lược tổng thể tham gia các cơ chế hợp tác của khu vực. Đối với các vấn đề nhạy cảm và mang tính sống còn như an ninh nguồn nước sông Mekong, an ninh năng lượng và an ninh quốc gia, Việt Nam cần kiên trì vận động, đấu tranh, đồng thời có cách xử lý khéo léo, linh hoạt trong từng khuôn khổ hợp tác.

 


Phòng QLKH và HTQT

Viện nghiên cứu Đông Nam Á


Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo