Trong khuôn khổ đề tài cấp bộ “Chính sách phân phối thu nhập của Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam” ngày 1/8/2022 Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã tổ chức Hội thảo Khoa học học “Phân phối thu nhập của một số nước Đông Nam Á và hàm ý cho Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của 30 nhà khoa học trong và ngoài Viện.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nêu lên thực trạng: Trong nhiều năm qua, khu vực Đông Nam Á được coi là một điểm sáng trên bản đồ tăng trưởng của thế giới. Đời sống vật chất của người dân nhìn chung ngày càng nâng cao, tỷ lệ đói nghèo trong khu vực giảm liên tục trong hai thập niên qua. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả kinh tế vượt trội thì một thực tế cho thấy, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập đang tăng lên, thu nhập của người giàu tăng lên nhanh hơn nhiều so với thu nhập của người nghèo. Bên cạnh đó, các vấn đề như mất an ninh lương thực, đa dạng sinh học và hệ sinh thái bị ảnh hưởng tiêu cực, tác động của biến đổi khí hậu, bất bình đẳng…có thể đe dọa tiến trình tăng trưởng trong tương lai của khối ASEAN.
Hội thảo đã nghe 5 bài Tham luận trình bày các vấn đề liên quan đến hiện trạng phân phối thu nhập của Thái Lan, Việt Nam và những chính sách phân phối thu nhập chính như chính sách tiền lương, chính sách thuế thu nhập, chính sách bảo trợ xã hội...
Tổng kết hội thảo, TS. Lê Phương Hòa, chủ nhiệm đề tài khẳng định, mặc dù hội thảo chưa thể trình bày hết được mọi khía cạnh của vấn đề, nhưng đã góp phần khẳng định phân phối thu nhập vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội. Chính vì vậy, các nước trên cơ sở mục tiêu và điều kiện quốc gia của mình, đều xây dựng cho mình những chính sách riêng. Tại Việt Nam, mặc dù Đảng và nhà nước luôn quan tâm đến tính công bằng, bình đẳng, nhưng trong quá trình phát triển, tình trạng chênh lênh thu nhập giữa các nhóm người, vùng miền, ngành nghề vẫn đang ngày càng mở rông. Nghiên cứu các nước để nhìn nhận lại lựa chọn chính sách của mình là việc cần và nên làm. Trong việc xây dựng chính sách phân phối thu nhập của các nước Đông Nam Á, Việt Nam nên có những nghiên cứu và học hỏi từ Thái Lan bởi xét trên khía cạnh dân tộc thì Việt Nam và Thái Lan, dù không có cùng thể chế và mô hình kinh tế, nhưng có nhiều nét tương đồng trong quá trình phát triển và đặc điểm kinh tế. Những kết quả hội thảo có ý nghĩa tích cực và đóng góp trực tiếp để Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thiện báo cáo nghiên cứu của mình.
Phòng QLKH và HTQT
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á