Trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ “Chính sách của một số quốc gia Đông Nam Á đối với vấn đề Biển Đông và hàm ý cho Việt Nam”, ngày 29/7/2022, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quan điểm, lập trường và chính sách Biển Đông một số quốc gia Đông Nam Á hiện nay và hàm ý cho Việt Nam”. Tham gia hội thảo có các học giả, nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và các viện nghiên cứu, các trường đại học khác nhau.
Sau phần giới thiệu chương trình và phát biểu khai mạc của PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á là phần trình bày báo cáo tham luận đề dẫn của PGS.TS. Dương Văn Huy, nhấn mạnh nội dung tập trung bàn luận của buổi Hội thảo. PGS. TS. Dương Văn Huy mong muốn các đại biểu tham dự tập trung phân tích các chủ đề chính như quan điểm, lập trường của các quốc gia Đông Nam Á đối với vấn đề Biển Đông hiện nay.
Hội thảo lắng nghe: Báo cáo tham luận của PGS.TS. Dương Văn Huy (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) với chủ đề: “Đánh giá khái quát quan điểm, lập trường và chính sách của ASEAN và các quốc gia thành viên đối với vấn đề Biển Đông hiện nay”; Báo cáo của TS. Trần Thu Minh (Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội) với tiêu đề: “Chiến lược Trung Quốc đối với Biển Đông”; Báo cáo của TS. Nguyễn Tuấn Anh về “Tình hình tranh chấp Biển Đông trong những năm gần đây”; Báo cáo tham luận của TS. Hoàng Thị Giang (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) với chủ đề: “Chính sách của Philippines và Indonesia đối với vấn đề Biển Đông”; Báo cáo của TS. Trương Quang Hoàn (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) về “Chính sách của Campuchia đối với vấn đề Biển Đông”; Báo cáo của Ths. Trịnh Hải Tuyến (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) về “Chính sách của Malaysia, Singapore và Brunei đối với vấn đề Biển Đông”; Báo cáo của TS. Nguyễn Hồng Quang về “Chính sách của Thái Lan, Lào và Myanmar đối với vấn đề Biển Đông”.
Các báo cáo phân tích chính sách của một số quốc gia Đông Nam Á đối với vấn đề Biển Đông. Trong đó, các báo cáo đánh giá rằng, chính sách khác nhau của các nước đối với vấn đề Biển Đông xuất phát từ lợi ích của mỗi nước khác nhau, cũng như lợi ích của họ trong quan hệ với Trung Quốc. Điều này đã tạo ra thách thức cho sự đoàn kết của ASEAN trong việc đấu tranh trước Trung Quốc ở Biển Đông. ASEAN ngày càng có xu hướng chia rẽ cũng chính vì nguyên nhân, chính sách các nước đối với vấn đề Biển Đông khác nhau. Cho nên, ASEAN trong nhiều trường hợp khó có thể tìm kiếm được tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam khi tận dụng vai trò của ASEAN trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông.
Sau phần thảo luận là phần tổng kết bế mạc Hội thảo. PGS.TS. Dương Văn Huy đã tổng kết lại những chủ đề chính mà các đại biểu thảo luận. PGS.TS. Dương Văn Huy cho rằng, các ý kiến đóng góp của các đại biểu có ý nghĩa quan trọng để đóng góp cho sự hoàn thiện của đề tài nghiên cứu khoa học, cảm ơn các đại biểu tham dự và tuyên bố bế mạc Hội thảo.
Phòng QLKH và HTQT
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á