“Chung tay giảm nghèo cho Những cuộc đời trẻ thơ Việt Nam”

Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Phát triển Quốc tế Vương Quốc Anh (DFID)

Giảm nghèo

Hội thảo

30/07/2012 - 17/09/2024

Nội dung:

Ngày 5 tháng 3 năm 2008, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Phát triển Quốc tế Vương Quốc Anh (DFID) đồng tổ chức hội thảo quốc tế: “Chung tay giảm nghèo cho Những cuộc đời trẻ thơ Việt Nam”.

Tới dự Hội thảo có đại diện các cơ quan, tổ chức: UNDP, UNESCO, UNICEF Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam, Báo Thanh niên, Báo Phụ nữ… GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo là một trong những hoạt động thường niên của D án “Những cuộc đời trẻ thơ” được phối hợp thực hiện giữa Đại học Oxford của Vương quốc Anh; các viện nghiên cứu, các cơ quan của chính phủ và các tổ chức quốc tế của các nước Ethiopia, Ấn Độ, Pêru và Việt Nam. D án “Những cuộc đời trẻ thơ” là dự án quốc tế theo dõi 12.000 trẻ em ở bốn nước Ethiopia, Ấn Độ, Pêru và Việt Nam liên tục trong suốt 15 năm. Việc nghiên cứu theo chiều dọc giúp chúng ta quan sát được sự thay đổi theo thời gian từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, tìm ra những bằng chứng cụ thể về việc nghèo đói tác động thế nào đến cuộc sống và các cơ hội của trẻ cũng như khả năng luân chuyển cái nghèo sang thế hệ sau. Dự án này cho phép các nhà khoa học phân tích tác động của các chính sách lớn đã áp dụng trong tuổi thơ và từ đó giúp chúng ta có những khuyến nghị chính sách một cách thuyết phục.

D án “Những cuộc đời trẻ thơ” là dự án nghiên cứu dài hạn, nghiên cứu nguồn gốc thay đổi của nghèo đói trẻ em. Đây là một dự án độc đáo bởi phạm vi nghiên cứu sâu và rộng, nội dung nghiên cứu chú trọng tới các khía cạnh thiếu thốn về vật chất của trẻ cũng như các khía cạnh tinh thần khác (nhận thức và thành tích học tập, sự đầy đủ hay thiếu thốn xét theo khía cạnh xã hội, tâm lí và cảm xúc, khái niệm của cá nhân trẻ về nghèo). Thông qua các phỏng vấn, nghiên cứu theo nhóm và nghiên cứu trường hợp với trẻ em, cha mẹ các em, giáo viên, đại diện cộng đồng và những người khác Dự án đã thu thập được một kho tàng các thông tin không chỉ về các biến đổi về vật chất và xã hội, mà cả những suy nghĩ của những người được nghiên cứu về cuộc sống của bản thân và hi vọng về tương lai. Kết quả nghiên cứu trên trẻ em khi đã được phân tích cùng với thông tin thu được từ cha mẹ các em sẽ đưa ra được những kết luận quý giá về việc nghèo đói đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như thế nào, các gia đình mấp mé ngưỡng nghèo đói đã trở nên nghèo đói hoặc thoát ra khỏi nghèo đói như thế nào, và các chính sách của chính phủ có thể tạo ra sự khác biệt thực sự như thế nào đối với những người nghèo này.

Theo UNICEF, hiện nay trên thế giới ước tính có khoảng một tỉ trẻ em hiện đang sống trong nghèo khổ, các em dễ bị tổn thương do bị bóc lột, bạo lực và phân biệt đối xử; không có được các điều kiện, nguồn lực cần thiết để sống và phát triển đúng khả năng có thể của mình. Trẻ em nghèo thường học kém ở trường, khi các em lớn lên sự nghèo đói lại chuyển tiếp cho thế hệ tiếp theo tạo nên vòng luẩn quẩn của nghèo kinh niên. Do đó, xét cả về khía cạnh con người và kinh tế, nghèo trẻ em là vấn đề không thể chấp nhận. Nghèo trẻ em là nguyên nhân của những mất mát lớn không chỉ về mặt kinh tế, mà cả sự phát triển đầy đủ của cá nhân, công bằng xã hội và công bằng kinh tế.

Kể từ năm 2000, trên đất nước Việt Nam đã có những biến đổi rất lớn chắc chắn sẽ tác động lâu dài đến trẻ em: đất nước hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chuyển từ nền kinh tế thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, tiến hành công nghiệp hóa. Tất cả các sự kiện này sẽ để lại dấu ấn trong cuộc đời các cháu. Nhìn lại thập kỉ 90 thế kỉ 20 và nửa đầu thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21, Việt  Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên diện rộng, nhờ đó mà Việt Nam có những thành tựu giảm nghèo vượt bậc, nhưng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng là nước có thu nhập thấp. Vì thế Việt Nam còn rất nhiều trẻ em nghèo, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Vấn đề đói nghèo nói chung và đói nghèo trẻ em nói riêng luôn dành được sự quan tâm của chính phủ, của các tổ chức và mọi người dân Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu của Dự án thu thập được cho phép các nhà nghiên cứu tạo nên các phân tích sắc bén về các yếu tố và chính sách có thể tạo nên sự khác biệt. Bằng cách này, D án cung cấp những bằng chứng có căn cứ và đáng tin cậy để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách phân tích và đề cập tới những thách thức thực sự họ đang đối mặt để giảm bớt nghèo đói trẻ em góp phần chung tay giảm nghèo cho những cuộc đời trẻ thơ Việt Nam.

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo