Nội dung:
An sinh xã hội (ASXH) là cụm từ được dùng phổ biến gần đây trong các văn kiện của Đảng, chính sách của Nhà nước, đây là một hình thức bảo trợ mà xã hội (gồm Nhà nước và cộng đồng) dành cho người dân thông qua nhiều biện pháp (bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, ưu đãi xã hội) không chỉ giúp các cá nhân tự phòng ngừa mà còn có thể vượt qua những khó khăn gặp phải từ suy giảm nguồn thu nhập, mất việc, ốm đau, thai sản, thương tật và những rủi ro khác.
Hội thảo đã nghe các tham luận và nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu về nội dung và sự cần thiết phải xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, thực hiện công bằng xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ASXH giữ một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thời gian qua, nhận thức về ASXH đã có bước phát triển nhưng chưa được xây dựng thành hệ thống, thiếu sự liên kết và hoạch định chiến lược.
Các đại biểu cũng tập trung phân tích những hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách pháp luật về ASXH với nhiều rào cản, gây phiền hà, làm người dân khó tiếp cận; hiện tượng lãng phí, thất thoát, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều nơi. Trên thực tế, nhiều vấn đề ASXH cần có sự đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước thì lại có xu hướng xóa bao cấp tràn lan, thị trường hóa bằng bất cứ giá nào. Trong khi đó, một số chính sách lại được bao cấp nặng theo kiểu ban phát, với cơ chế xin - cho, dẫn đến ỷ lại, trông chờ hoàn toàn vào Nhà nước…
Từ các ý kiến trao đổi của các đại biểu, hội thảo thống nhất quan điểm phải phát triển hệ thống ASXH có trọng tâm, chú ý đến người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người lao động mất việc… Nhà nước giữa vai trò chủ đạo trong tổ chức thực hiện ASXH, khuyến khích và mở rộng sự tham gia của các đối tượng, thành phần trong xã hội; phát huy vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện xã hội hóa các mục tiêu ASXH. Ngoài ra, cũng cần cụ thể hóa các quy định pháp luật trong công tác quản lý, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả, hạn chế sai sót, tiêu cực có thể xảy ra.