Nội dung:
Phát biểu tại lễ khai mạc Phó chủ tịch Viện KHXH Việt Nam, GS.TS. Võ Khánh Vinh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu đời sống tôn giáo trong mối tương quan giữa sự phát triển nói chung và tôn giáo nói riêng đối với cả hai nước Việt - Trung, đồng thời GS hy vọng rằng các ý kiến trao đổi của các nhà nghiên cứu và học giả tại Toạ đàm sẽ là cơ sở lý luận để Việt Nam và Trung Quốc triển khai những chính sách tôn giáo phù hợp với sự vận động xã hội tại mỗi quốc gia.
Nhiều tham luận tại Toạ đàm đã nêu ra nhiều vấn đề thời sự hết sức nóng bỏng và nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các nhà khoa học tham dự như: “Hiện tượng gia tăng các “Hội thánh tư gia” Tin lành hoạt động độc lập...” (Nguyễn Xuân Hùng - Viện Nghiên cứu Tôn giáo); “Sự biến đổi niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của thanh niên dân tộc Chăm...” (Nguyễn Mạnh Cường - Viện Nghiên cứu Tôn giáo); “Hôn nhân của dân tộc thiểu số trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo (qua trường hợp dân tộc Nộ Công Sơn – Vân Nam, Trung Quốc” (Hà Lâm - Đại học Trung Sơn, Trung Quốc)....
Có thể nói 24 tham luận được lựa chọn tổng hợp trong kỷ yếu Toạ đàm đã đề cập khá bao quát đến những vấn đề thuộc lĩnh vực “Đời sống tôn giáo” của cả Việt Nam và Trung Quốc, từ những vấn đề lý luận chung như: Tôn giáo cũng là nguồn lực trí tuệ; Vai trò của tôn giáo và xã hội đối với tai họa; Vũ trụ luận của Đạo giáo buổi đầu và giá trị của nó; Chủ nghĩa Mác vẫn là cơ sở để xem xét sự biến đổi của tôn giáo trong thời đại mới... cho đến từng vấn đề cụ thể như: Hôn nhân công giáo; Tín ngưỡng Thành Hoàng; Đám chay; Gọi hồn; Việc thực hiện Hiến chế về phụng sự Thánh của công giáo Việt Nam sau Công đồng Vatican II (1962-1965)...