18/09/2020
Vào cuối thế kỷ XIX, đường sắt là loại hình giao thông mới lạ và hiện đại nhất của thế giới. Ra đời tại châu Âu, theo chân các đoàn quân xâm lược thực dân, đường sắt từng bước xuất hiện tại các thuộc địa như một trong những biểu tượng của sức mạnh chủ nghĩa tư bản, tức là mang theo "sứ mệnh" về cả chính trị và kinh tế. Đường sắt tại Việt Nam cũng không phải là trường ngoại lệ. Để phục vụ cho mục tiêu bình định quân sự và tận khai tài nguyên, sức lao động của Việt Nam, thực dân Pháp đã cho thiết lập ở Việt Nam một mạng lưới giao thông đường sắt phủ rộng trên các xứ, từ tuyến đường sắt phục vụ "lợi ích" liên bang như đường sắt nối thẳng từ Bắc Kỳ đến Nam Kỳ, từ Bắc Kỳ sang Vân nam, từ Trung Kỳ sang Lào cho đến các nhánh đường sắt có tính chất địa phương, cấp vùng. Trong số các tuyến nói trên, quan trọng nhất phải kể tới tuyến đường sắt xuyên Đông Dương. Đây dược coi là tuyến đường có độ dài lớn nhất: 1.866km, kinh phí xây dựng lớn nhất: 678,2 triệu francs và thời gian thi công lấu nhất: 36 năm (từ năm 1900 đến 1936). Bài viết phác họa lại quá trình hình thành tuyến đường sắt xuyên Đông Dương trong giai đoạn thứ nhất- từ năm 1897 tức là khi kế hoạch xây dựng được khởi thảo, xây dựng cho đến năm 1918.
Nguyễn Lan Dung
Số 11 (224), 2018