31/12/2024
Bất bình đẳng thu nhập và các yếu tố ảnh hưởng là một mối quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu và người làm chính sách tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sử dụng dữ liệu Khảo sát Mức sống Hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) giai đoạn 2004 - 2022 của Tổng cục Thống kê, bài viết này phân tích thực trạng của bất bình đẳng thu nhập - được đo lường thông qua chỉ số thu nhập của nhóm 20% giàu nhất trên thu nhập của nhóm 20% nghèo nhất (Q5/Q1) - dưới cấp độ vùng, tỉnh thành của Việt Nam. Kết quả tính toán cho thấy, từ năm 2004 đến năm 2019, mức độ bất bình đẳng thu nhập của cả nước có xu hướng tăng. Tuy nhiên, vào năm 2020, chỉ số bất bình đẳng thu nhập toàn quốc giảm, một phần do các chính sách hỗ trợ nhóm thu nhập thấp ứng phó với đại dịch COVID-19 của Chính phủ. Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên là hai vùng có mức độ bất bình đẳng thu nhập lớn nhất; ngược lại, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có mức độ bất bình đẳng thấp nhất. Đáng chú ý, phần lớn những tỉnh, thành với mức độ bất bình đẳng thu nhập cao cũng thường là những tỉnh thành có sự hạn chế trong các chỉ số về giáo dục và đào tạo và cạnh tranh cấp tỉnh, thành cũng như mức độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở các phân tích trên, bài viết đề xuất một số hàm ý chính sách để giảm thiểu bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam thời gian tới.
Trương Quang Hoàn, Nguyễn Sỹ Hưng
Số 12, 2024