Khoảng 5 vạn công dân Việt Nam đang sử dụng hình thức du lịch để làm việc ở Thái Lan có thể bị buộc trở về nước và không quay trở lại, do chính quyền nơi đây đã thắt chặt quản lý nhập cảnh và lao động bất hợp pháp. Khách du lịch Việt Nam đến Thái Lan trong thời gian một tháng sẽ được miễn visa và nếu như có nhu câu ở thêm thì phải xin visa tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan nhưng không được quá 3 lần, sau đó buộc phải xuất cảnh. Để đối phó với tình trạng trên, phần lớn lao động Việt Nam khi visa hết hạn thường phải đến một cửa khẩu bất kỳ làm thủ tục xuất nhập cảnh sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia hay Myanmar và sẽ nhập cảnh trở lại sau vài tiếng. Hoặc nhiều người lao động đã thông quan trung gian, dùng tiền để hối lộ cho cảnh sát làm dịch vụ gia hạn visa để tiết kiệm chi phí và thời gian.
Tuy nhiên sau vụ đánh bom tại thủ đô Bangkok ngày 17/8/2015, chính quyền Thái Lan đã tiến hành siết chặt việc quản lý đối với du khách, đồng thời kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng visa du lịch để ở lại lao động bất hợp pháp. Việc siết chặt này đã có tác động không nhỏ tới những người đang lao động bất hợp pháp ở Thái Lan. Trước đó, ngày 10/2/2015, Chính phủ Thái Lan đã ban hành nghị định cho phép Bộ Lao động Thái Lan cho lao động Việt Nam được đăng ký làm việc tại Thái Lan, cụ thể là ở trong các lĩnh vực: giúp việc, xây dựng, đánh cá và phục vụ nhà hàng. Trước tình hình trên, phía Việt Nam đã đề nghị điều chỉnh lại một số quy định về việc triển khai đăng ký lao động cho phù hợp, cho rằng điều này chỉ đáp ứng được bộ phận nhỏ lao động mới sang của Việt Nam chứ chưa đáp ứng hoàn toàn đại đa số lao động của Việt Nam hiện đang làm việc ở Thái Lan.
Thái Lan đang trở thành một thị trường lao động của người Việt Nam, mặc dù chỉ hạn hẹp trong một số ngành nghề nặng nhọc, vất vả, với mức lương khá thấp nhưng đây vẫn là ước mơ của không ít người lao động Việt Nam trong lúc này.
X.T
tổng hợp