Ngày 8 tháng 11 năm 2015, cuộc tổng tuyển cử tự do lần đầu tiên sau 25 năm (kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 1990) của Myanmar đã diễn ra với sự tham gia của 91 đảng phái và 310 ứng viên độc lập. Tổng số ứng viên tranh cử là 6074 người. Tổng số cử tri có đủ tư cách bỏ phiếu là 30 triệu người. Có khoảng 40.000 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước Myanmar.
Hai đảng lớn nhất tham gia tranh cử lần này là Đảng Thống nhất và Phát triển Liên bang (USDP) và Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Cuộc bầu cử nhằm bầu ra các đại diện cho Hạ viện (330), Thượng viện (168), đại diện cho các vùng/bang và đại diện cho các dân tộc thiểu số. Ngoài các đại diện thông qua bầu cử, có 25% tổng số ghế trong mỗi viện quốc hội thuộc về các quân nhân không thông qua bầu cử.
Có khoảng 11.000 quan sát viên trong nước và hơn 1.000 quan sát viên quốc tế tham dự quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu. Bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 4 giờ chiều cùng ngày, cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ, có trật tự, thật sự tự do và công bằng. Việc kiểm phiếu cũng diễn ra hết sức dân chủ, minh bạch và công khai.
Khoảng 80% cử tri hợp lệ đã đi bầu cử. Đảng đối lập NLD do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu dành chiến thắng vang dội với 225 ghế (trong tổng số 318 ghế đăng ký) ở Hạ viện, 135 ghế (trong tổng số 163 ghế đăng ký) ở Thượng viện, 492 đại diện (trong tổng số 620 đại diện đăng ký) cho các vùng/ bang, 17 đại diện cho các dân tộc thiểu số (trong tổng số 29 đại diện đăng ký). Trong khi đó đảng đang nắm quyền USDP chỉ dành được 29 ghế (trong tổng số 318 ghế đăng ký) ở Hạ viện, 12 ghế (trong tổng số 164 ghế đăng ký) ở Thượng viện, 73 đại diện (trong tổng số 619 đại diện đăng ký) cho các vùng bang, 2 đại diện (trong tổng số 29 đại diện đăng ký) cho các dân tộc thiểu số1.
Với chiến thắng này, đảng NLD của bà Suu Kyi được phép triệu tập Quốc hội và thành lập một chính phủ mới vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, theo Hiến pháp, quân đội vẫn có 25% số ghế trong Quốc hội không cần thông qua bầu cử. Tương lai chính trị Myanmar sẽ ra sao sau cuộc bầu cử này vẫn đang là vấn đề gây tranh luận.
1 Xem http://www.mmtimes.com/index.php/election-2015/live-blog.html
Đ.Đ (tổng hợp)