Nguyên nhân của các cuộc biểu tình cuối 2013 đầu 2014 tại Thái Lan

29/11/2016

Nguyên nhân của các cuộc biểu tình cuối 2013 đầu 2014 tại Thái Lan

  Nhìn bề ngoài, nguyên nhân gây ra những cuộc biểu tình phản đối chính phủ cuối năm 2013, đầu 2014 tại Thái Lan xuất phát từ việc thủ tướng Yingluck đề xuất một sắc lệnh ân xá, cho phép không truy cứu trách nhiệm đối với các nhân vật quan trọng trong chính quyền, bao gồm người anh trai của bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Những nguyên nhân khác thường được nêu ra để giải thích cho tình trạng biểu tình gia tăng tại Thái Lan giai đoạn 2013-2014 là cáo buộc tham nhũng, thất thoát tài chính trong chương trình trợ giá gạo, cũng như việc thủ tướng Yingluck đề xuất sửa đổi hiến pháp hiện thời.

Mặc dù vậy, đây chỉ là những yếu tố góp phần thúc đẩy cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan giai đoạn 2013-2014. Nguyên nhân sâu xa là cạnh tranh quyền lực giữa các tầng lớp chính trị trong xã hội Thái Lan. Cụ thể, đó là sự đối kháng quyết liệt giữa tầng lớp trung lưu, quý tộc thiểu số ở khu vực thành thị (phe áo vàng) ủng hộ hoàng gia với lực lượng nông dân chiếm đa số tại khu vực nông thôn (phe áo đỏ), chủ trương ủng hộ chính quyền cựu thủ tướng Thaksin và Yingluck, đồng thời hạn chế vai trò của quân đội, hoàng gia trong thể chế chính trị Thái Lan. Đây không chỉ là nguyên nhân căn bản của những bất ổn chính trị tại Thái Lan giai đoạn 2013-2014 mà còn trong suốt một thập niên qua.

Lý do quan trọng khác giải thích cho những bất ổn chính trị tại Thái Lan giai đoạn 2013-2014 là thói quen can thiệp vào chính trị của lực lượng quân đội hoàng gia Thái Lan. Đảng Dân chủ, vốn thân quân đội và hoàng gia hiểu rõ rằng: nếu tình trạng xung đột, bạo lực gia tăng trong các cuộc biểu tình, sớm hay muộn lực lượng quân đội Thái Lan cũng sẽ can thiệp.[1]

Ngoài ra, các đợt biểu tình cuối 2013, đầu 2014 và hành động đảo chính của lực lượng quân đội được cho là xuất phát từ lo sợ vai trò ngày càng không chắc chắn của vua Bhumibol Adulyadej trong thể chế chính trị Thái Lan.[2] Khi cựu thủ tướng Thaksin và sau này là Yingluck thực hiện các bước đi, đặc biệt là đề xuất sửa đổi hiến pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của hoàng gia và quân đội đối với chính trường Thái Lan, gần như ngay lập tức phe áo vàng tổ chức các đợt biểu tình rầm rộ gây sức ép lên chính phủ cầm quyền. Lý do là, phe áo vàng và đảng Dân chủ lo sợ sẽ mất quyền kiểm soát khi quyền lực của vua Bhumibol và gia đình hoàng gia bị thách thức.[3]



[1] Max Fisher (2015), “Thailand’s coup addiction: the story of its 80-year, never-ending crisis”,

http://www.vox.com/cards/thailand-coup-problem/this-timeline-shows-that-todays-crisis-goes-all-the-way-back-to-1997, truy cập ngày 2/8/2016.

[2] Thongchai Winichakul (2013), “The antidemocratic roots of the Thai protesters”,

http://america.aljazeera.com/opinions/2013/12/theantidemocraticrootsofthethaiprotesters.html, truy cập ngày 1/8/2016.

[3] Pavin Chachavalpongpun (2014), “What is really behind the Thai political protests?”,

http://www.dailystar.com.lb/Opinion/Commentary/2014/Jan-17/244284-what-is-really-behind-the-thai-political-protests.ashx#axzz2xHL24YdY, truy cập ngày 1/8/2016.

 

 


Q.H


Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo