Trong thời gian tới, ASEAN được đánh giá là sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn bắt nguồn từ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2017 cũng như một số nhân tố khách quan khác.
Thứ nhất, vai trò Chủ tịch ASEAN của Philippines, đặc biệt là người đứng đầu – tổng thống Rodrigo Duterte, có liên quan chặt chẽ đến những tiến triển của mối quan hệ ASEAN- Mỹ. Tuy nhiên, dưới thời Chính quyền ông Duterte, Philippines không những từ bỏ chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc mà còn nhiều lần chỉ trích mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines. Nhiều chuyên gia đưa ra câu hỏi liệu Philippines có đủ năng lực để có thể dẫn dắt ASEAN và duy trì vai trò trung tâm của tổ chức này trong việc can dự với hai siêu cường không, nhất là trong bối cảnh chính sách chống ma tuý của ông Duterte đang gây làn sống phản đối mạnh mẽ ở trong nước cũng như nhiều áp lực từ bên ngoài.
Thứ hai, vai trò của Mỹ đối với trật tự khu vực cũng như toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã không thực hiện bất kỳ chính sách nào đối với khu vực Đông Nam Á, điều này khiến cho ngoại trưởng các nước ASEAN lo lắng bởi dường như đang thiếu định hướng chính sách của Nhà Trắng đối với khu vực này. Đặc biệt, với sự nổi lên của Trung Quốc, ASEAN đang trông chờ vào các chính sách của Mỹ đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Các nhà lãnh đạo ASEAN đang không rõ liệu Chính quyền mới của Mỹ có tiếp tục thực hiện chính sách mà chính quyền tiền nhiệm đã theo đuổi hay không. Tại cuộc họp không chính thức vừa qua, các ngoại trưởng ASEAN đã nhanh chóng đồng ý với đề nghị của Malaysia về thảo luận mối quan hệ giữa ASEAN – Mỹ, đồng thời sớm hình thành chiến lược chung để có thể đáp ứng được chính sách của 2 bên trong tương lai.
Thứ ba, ASEAN phải vượt qua những khó khăn từ phong trào chống toàn cầu hoá không chỉ ở các nước phương Tây mà dường như đã lan rộng ra toàn thế giới, trong đó có các nước thành viên ASEAN. ASEAN tiếp tục kiên trì thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa 10 quốc gia thành viên theo kế hoạch hành động của ASEAN tầm nhìn 2025 với kỳ vọng có thể đưa khu vực ASEAN trở thành 1 trong 5 cường quốc kinh tế dẫn đầu thế giới. Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN cần phải được tăng tốc bởi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dường như đang “đóng băng”. Để vượt qua tất cả những thách thức, ASEAN cần phải bảo vệ vai trò trung tâm bằng việc giải quyết khó khăn trong việc gắn kết cũng như tìm ra tiếng nói chung giữa các quốc gia thành viên.
X.T
tổng hợp