VỀ HỘI NGHỊ HÒA BÌNH LIÊN BANG LẦN THỨ HAI CỦA MYANMAR

23/06/2017

Bất chấp chiến sự đang diễn ra ở vùng phía bắc bang Shan, từ ngày 24-30/5/2017, Hội nghị hòa bình Liên bang (Hay còn gọi là Hội nghị Panglong của thế kỷ 21) lần thứ hai đã được tổ chức tại Trung tâm hòa bình và hòa giải quốc gia, Naypyitaw, Myanmar. Thành phần tham gia Hội nghị bao gồm Chính phủ của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), quân đội, các nhóm vũ trang sắc tộc đã ký Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) và 3 nhóm chưa đồng ý ký thỏa thuận này1. Việc Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi mời 3 nhóm chưa ký NCA vào Hội nghị hòa bình Liên bang lần thứ 2 là điểm mới đáng chú ý vì trước đó quân đội yêu cầu 3 nhóm này phải giải giáp vũ khí mới đủ tư cách tham gia.

Trong bài diễn văn khai mạc, Aung San Suu Kyi cho biết tất cả đã sẵn sàng để thảo luận về tương lai của Liên bang Myanmar. Bà cũng nêu rõ, điều bà từng nhấn mạnh nhiều lần trước đây rằng trách nhiệm chấm dứt hơn 7 thập niên giao chiến không chỉ thuộc về chính phủ NLD hay quân đội, mà là trách nhiệm của toàn thể người dân. Bà hi vọng năm 2017 sẽ là “Năm Hòa bình” của Myanmar sau nhiều thăng trầm nước này đã trải qua kể từ khi giành độc lập. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Sau một tuần thảo luận căng thẳng giữa các bên liên quan chủ chốt, Hội nghị hòa bình Liên bang lần thứ hai của Myanmar đã đạt được thành công hơn so với Hội nghị lần thứ nhất vào tháng 8 năm 20162.

Những người tham dự Hội nghị đã có sự đồng thuận đối với 37 điểm trong số 45 điểm thảo luận3. Những nội dung được thông qua bao gồm việc xây dựng một Liên bang dựa trên cơ sở chủ nghĩa liên bang, nền dân chủ và quyền tự quyết; không có sắc tộc nào được trao đặc quyền; các bang và vùng có quyền soạn thảo luật pháp và hiến pháp riêng phủ hợp với Hiến pháp năm 2008. Những điểm gây bất đồng sẽ được thảo luận ở hội nghị tiếp theo vào năm tới.

Tuy nhiên, Hội nghị này vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Thứ nhất, 3 nhóm vũ trang chưa ký NCA được mời tham dự chỉ với tư cách là “những khách mời đặc biệt”. Vì thế, ngay trong ngày họp đầu tiên, một số đại diện của Hội đồng Liên bang các dân tộc thống nhất ( một liên minh của các nhóm vũ trang sắc tộc từ chối ký NCA) đã bỏ về vì cho rằng “khách mời đặc biệt” không có quyền thảo luận đầy đủ. Thứ hai là vấn đề liên quan đến thuật ngữ “không ly khai” khỏi Liên bang. Các đại diện của các nhóm vũ trang sắc tộc cho rằng việc dùng thuật ngữ “không ly khai” giống như nói họ muốn ly khai ngay lúc này và sẽ gây hiểu nhầm cho những nhóm chưa ký NCA. Thuận ngữ này không nên đưa vào thảo luận bởi vì việc xây dựng Liên bang không dựa vào câu chữ mà dựa vào “những cảm xúc bên trong trái tim”4. Thứ ba, các nhóm xã hội dân sự không được tham gia rộng rãi tại hội nghị này dù họ đóng vai trò khá quan trọng trong tiến trình thảo luận.

Theo lời của Aung San Suu Kyi, xây dựng quốc gia là “một tiến trình không ngừng”5, mỗi bước đi như một nấc thang đưa đến điểm cao hơn. Do đó, kết quả khả quan của Hội nghị hòa bình Liên bang lần thứ 2 sẽ tạo động lực cho chính phủ NLD tiếp tục nhiệm vụ lâu dài và đầy thử thách của mình. /



1 Ba nhóm vũ trang sắc tộc chưa lý NCA bao gồm: Quân đội Đồng minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA – Kokang group), Quân đội tự do dân tộc Ta’ang (TNLA) và Quân đội Arakan (Arakan Army-AA) (Theo MyanmarTimes (24/5/2017), Three more rebel groups to join Union Peace Conference, www.mmtimes.com/index.php/national-news/26114-three-more-rebel-groups-to-join-union-peace-conference.html

 

2 Hội nghị hòa bình Liên bang lần thứ nhất diễn ra vào tháng 8/2016 đã không đạt được kết quả cụ thể nào.

3 45 điểm này được Ủy ban chung Đối thoại hòa bình Liên bang , một cơ quan bao gồm những đại diện của chính phủ, nghị viện, các đảng chính trị, quân đội và các nhóm vũ trang sắc tộc ký ngừng bắn, thông qua trước đó.

4 Xem Frontier (30/5/2017),Mixed results at latest Panglong peace conference, http://frontiermyanmar.net/en/mixed-results-at-latest-panglong-peace-conference

5 MyanmarTimes (30/5/2017), Govt, ethnic groups sign 33 agreements at the end of second Panglong, http://www.mmtimes.com/index.php/national-news/26184-govt-ethnic-groups-sign-33-agreements-at-the-end-of-second-panglong.html

 

 


Đ.Đ

tổng hợp


Các tin đã đưa ngày: