Đánh giá thực hiện các cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN

10/10/2013

Đánh giá thực hiện các cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN Bước sang thế kỷ XXI, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa, các nước trên thế giới đều có những chính sách điều chỉnh cần thiết để phù hợp với tình hình thế giới đang thay đổi. Một trong những điều chỉnh đó là việc tăng cường hội nhập sâu, rộng, tiến tới xây dựng các cấu trúc hợp tác khu vực, trong đó có việc xây dựng cộng đồng. Đông Nam Á cũng không nằm ngoài xu hướng đó

Để tận dụng những cơ hội và giảm bớt những khó khăn do tình hình thế giới chi phối cũng như tăng cường hơn nữa sự đoàn kết trong nội bộ ASEAN và tăng cường hơn nữa vai trò của tổ chức này trong các cấu trúc hợp tác khu vực, các thành viên ASEAN thúc đẩy liên kết hợp tác bằng chủ trương xây dựng Cộng đồng ASEAN với nền tảng là 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh - Chính trị (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC), Cộng đồng Văn hóa -  Xã hội (ASCC). Để xây dựng một Cộng đồng ASEAN cần phải trải qua một lộ trình dài với nhiều khó khăn thách thức, trong đó có một khâu hết sức quan trọng đó là việc thực hiện các cam kết xây dựng cộng đồng.

Về việc hiện thực Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khẳng định: “Kế hoạch chi tiết xây dựng APSC đã vạch ra lộ trình và thời gian biểu cụ thể cho việc thành lập APSC vào năm 2015”. Trên thực tế, kế hoạch này không chỉ đưa ra lộ trình và thời gian biểu cho việc thực hiện hóa APSC vào thời gian trên mà còn bao gồm việc xác định các đặc trưng, các yếu tố cấu thành cộng đồng và cơ chế thực hiện sau thời điểm 2015. Các yếu tố cấu thành cộng đồng (elements) thực chất là nội dung mà ASEAN dựa vào đó để thực hiện các cam kết nhằm hiện thực hóa APSC, một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN (AC), vào năm 2015. Các cam kết xây dựng APSC chủ yếu được nêu ra một cách cụ thể trong kế hoạch chi tiết APSC bao gồm 9 nội dung như sau: (i) Hợp tác trong phát triển chính trị; (ii) Định hình và chia sẻ các chuẩn mực; (iii) Các biện pháp ngăn ngừa xung đột và xây dựng lòng tin; (iv) Giải quyết xung đột và hòa giải tranh chấp ở Thái Bình Dương; (v) Xây dựng hòa bình hậu xung đột; (vi) Các vấn đề an ninh phi truyền thống; (vii) Tăng cường hợp tác ASEAN về quản lý thảm họa thiên tai và ứng phó với các tình huống khẩn cấp; (viii) Tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực và xây dựng cộng đồng; (ix) Tăng cường quan hệ hợp tác với bên ngoài.

Việc thực hiện các Cam kết hiện thực APSC vào năm 2015 có vẻ đang khá suôn sẻ khi hàng loạt các khuôn khổ, thể chế, quy định đã được đặt ra trong thời gian rất ngắn. Tuy vậy trên thực tế có nhiều sự cố xảy ra đe dọa nền hòa bình của các nước thành viên hiệp hội nhưng các cơ chế đó lại hoàn toàn không có khả năng giải quyết các sự cố này đã ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN . Nguyên tắc “đồng thuận” và “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau” đang là cản trở lớn nhất đối với việc hiện thực hóa một APSC nói riêng AC nói chung theo đúng nghĩa là một Cộng đồng, nếu xét theo hình mẫu của EU. Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều những biến động về chính trị - an ninh như hiện nay có thể vừa là nhân tố thúc đẩy ASEAN thực hiện nhanh chóng các cam kết xây dựng cộng đồng, nhưng cũng có thể là các nhân tố bất lợi, cản trở quá trình thực hiện các cam kết của ASEAN. Tuy nhiên, chính bản thân ASEAN phải tự nhận thấy rằng xây dựng thành công APSC là hết sức quan trọng, góp phần vào thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột chính, bên cạnh Cồng đồng An ninh – Chính trị,  Cộng đồng Văn hóa – Xã hội, tạo nên Cộng đồng ASEAN mà theo kế hoạch sẽ được hiện thực hóa vào năm 2015. Đây là mục tiêu lớn mà lãnh đạo các nươc ASEAN đã thống nhất tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9, diễn ra tại Bali – Indonexia vào tháng 10 năm 2003 và sau đó vào năm 2007 tại Cebu, Philippin. Để thực hiện mục tiêu này các nước ASEAN đang nỗ lực triển khai các biện pháp và cam kết đề ra để đạt được hiệu quả cao, tiến tới góp phần thúc đẩy hiện thực hóa thành công AEC và AC vào năm 2015. Tuy nhiên, quá trình này không phải chỉ mới được bắt đầu năm 2003, đó cũng là công việc xuyên suốt mà các nước ASEAN đã kiên trì theo đuổi từ những giai đoạn đầu của hợp tác kinh tế.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thiết lập dựa trên việc thực hiện các cam kết thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, tự do hóa luồng vốn, công nghệ, lao động, v.v… Đây là những nội dung chính mà các nước ASEAN đang hết sức nỗ lực hoàn thành nhằm thực hiện mong muốn hội nhập khu vực với tốc độ sâu nhất có thể. Việc thực hiện các cam kết xây dựng AEC  được đề ra trong kế hoạch chi tiết AEC như thực hiện các quy định trong AFTA để đảm bảo dòng hàng hóa lưu chuyển tự do trong ASEAN; quy định trong AFTA để đảm bảo dòng dịch vụ lưu chuyển tự do trong ASEAN; các cam kết trong nội bộ ASEAN để đảm bảo dòng lưu chuyển tự do của vốn và đầu tư trong khu vực; các cam kết trong nội bộ ASEAN để đảm bảo dòng lưu chuyển tự do của lao động có tay nghề trong khu vực; triển khai và thực hiện các cam kết về chính sách cạnh tranh, về bảo vệ người tiêu dùng và việc thực hiện bản quyền trong ASEAN; các cam kết về cơ sở hạ tầng… Đây là trụ cột hiện được đánh giá là đạt được nhiều tiến bộ nhất.     

Cùng với hai Cộng đồng trên, việc xây dựng thành công Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) là rất quan trọng và cực kỳ cần thiết để hiện thực hóa AC thành công vào năm 2015. Với mục tiêu cơ bản của ASCC là xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung và kiến tạo một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và mở rộng nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Bởi vì, một cộng đồng văn hóa khu vực là sợi dây tinh thần kết nối các quốc gia dân tộc Đông Nam Á, vốn rất khác biệt nhau về tộc người, văn hóa, tôn giáo và các trải nghiệm lịch sử, giúp các quốc gia thành viên đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, hướng tới một cộng đồng vì dân. ASCC có thể được coi là cơ sở tinh thần nhằm đảm bảo cho việc xây dựng thành công Cộng đồng này, giúp ASEAN phát triển và thịnh vượng hơn trong tương lai.

Phương Thảo

Nguồn tư liệu: TS. Nguyễn Huy Hoàng (cb), Đánh giá thực hiện các cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN,  Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội. 2013



Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo