Kịch bản tranh chấp Mischief Reef (đá Vành Khăn) 17 năm trước dường như đã lặp lại với tranh chấp bãi cạn Scarborough, Philippin cuối cùng đã kiệt sức sau từng ấy năm theo đuổi các cuộc thảo luận, đàm phán ngoại giao song phương với Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã có các bảo lưu và không đề cử trọng tài viên đại diện cho mình thì Hội đồng Tòa Án Quốc tế vẫn xem xét vụ kiện của Philippin. Vụ kiện này theo dự đoán của Philippin sẽ kéo dài trong khoảng 4 năm, và cho dù thế nào Philippin cũng thắng lợi về mặt tinh thần.
Vụ kiện khiến Trung Quốc đang mắc vào tình thế khó xử. Chỉ riêng việc từ chối đối mặt với Philippin tại tòa án cũng cho thấy sự yếu thế về mặt pháp lý. Theo giới phân tích để tránh những rủi ro và hậu quả do phán quyết của tòa án, Trung Quốc có thể đã và đang tiến hành những bước sau:
Thứ nhất: vừa cứng rắn vừa muốn trở lại đàm phán với Philippin để nước này rút đơn kiện. Có lẽ vì thế mà bất chấp việc Manila kiện đường lưỡi bò phi pháp của Bắc Kinh ra Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển, bà Đại sứ Trung Quốc tại Philippin Mã Khắc Thanh khẳng định Philippin và Trung Quốc vẫn là “bạn tốt” mặc dù hai bên còn tồn tại những tranh chấp về lãnh hải. Khả năng này khó có thể xảy ra vì Philippin quyết tâm cao độ hẹn Trung Quốc “gặp nhau tại tòa” và trù tính vụ kiện này có thể kéo dài đến 3-4 năm.
Thứ hai: nhằm gây áp lực để Philippin rút đơn kiện, Trung Quốc, một mặt chia rẽ ASEAN bằng cách đổ lỗi vì Philippin mà tiến trình đàm phán COC bị đình trệ. Ngay trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh về việc Philippin khởi kiện đường 9 đoạn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng, những gì phía Philippin đưa ra “không chỉ vi phạm tính đồng thuận được nêu trong bản Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông (DOC) giữa các bên liên quan, mà còn bóp méo sự thật và có những cáo buộc sai lầm”. Mặt khác, Trung Quốc gia tăng những tác động đến các nước khác trong ASEAN bằng đàm phán song phương để các nước này gây áp lực với Philippin. Về mặt này Trung Quốc đã khá thành công khi gây được những dư luận không đồng tình trong ASEAN đối với việc Philippin kiện Trung Quốc.
Thứ ba: trong quá trình tố tụng kéo dài, Trung Quốc sẽ thúc đẩy các biện pháp cứng rắn trên biển, phô trương sức mạnh quân sự và khẳng định yêu sách đường lưỡi bò phi lí của họ để làm nhụt chí Philippin đồng thời cảnh báo các bên tranh chấp khác. Ngày 20/3, tàu hải quân Trung Quốc truy đuổi và bắn pháo sang làm cháy nóc cabin một tàu cá Việt Nam đang đánh cá trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Điều này cho thấy Trung Quốc đã chuyển từ các hoạt động của lực lượng bán dân sự sang các hoạt động quân sự trong các vùng nước tranh chấp.
Nguồn tư liệu: Lê Thị Thanh Hương/ Tranh chấp bãi cạn Scarborough và cách thức đấu tranh đòi chủ quyền của Philippin ở Biển Đông/ Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á số 5 năm 2013