Mặc dù bối cảnh kinh tế và an ninh chính trị thế giới có nhiều bất ổn cũng như sự chuyển đổi quyền lực chính trị khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền vào tháng 6/2016, nền kinh tế Philippines vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực ASEAN-6 trong năm 2016 với mức 6,8%. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ chủ yếu nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc. Tình hình lạm phát được duy trì ở mức tương đối thấp do giá cả lương thực và dầu mỏ ổn định.
Nhìn từ phía cung của nền kinh tế, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục đóng góp lớn nhất vào sản lượng đầu ra của nền kinh tế, trong đó đặc biệt là ngành dịch vụ thuê ngoài (BPO). Tăng trưởng của ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành chế tạo và xây dựng đã cải thiện so với năm 2015 mặc dù nhu cầu thị trường khu vực và thế giới vẫn có nhiều bất ổn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do năng suất thấp và chịu tác động của hiện tượng El Nino.
Từ góc độ cầu của nền kinh tế, đầu tư và tiêu dùng trong nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh các thị trường chính ở khu vực và thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn cũng như sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ. Điều này có được một phần do lượng kiều hối chuyển về khá dồi dào, thúc đẩy sức mua thực tế của các hộ gia đình. Cụ thể, chỉ tính 3 quý đầu năm 2016, lượng kiều hối đã đạt 22,1 tỷ USD, cao hơn 4,7% so với cùng kỳ năm 2015 . Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Philippines tiếp tục tăng nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và sự cam kết của Chính phủ mới trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài với mục tiêu đưa Philippines trở thành một trong ba điểm đầu tư hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á vào năm 2022. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu của Philippines đã gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2016.
Trong điều kiện lạm phát được duy trì ở mức thấp trong năm 2016, Ngân hàng TW (NHTW) Philippines đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Nhìn chung, hệ thống tài chính của Philippines hoạt động ổn định trong năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 1,9% trong 9/2015 xuống còn 1,6% trong 9/2016 . Hệ số an toàn vốn của các ngân hàng Philippines ở mức 16%, tốt hơn so với mức 10% của NHTW đề ra. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn (ROE) của các ngân hàng cũng duy trì ổn định ở mức 10% trong tháng 6/2016. Tỷ trọng thu nhập từ lãi trên tổng thu nhập hoạt động đã tăng từ 70% lên 74% (NHTW).
Trong nửa đầu năm 2016, thị trường chứng khoán Philippines (PSEi) tiếp tục hoạt động tích cực. Đáng chú ý, ngay sau khi Tổng thống Duterte nhậm chức, chỉ số PSEi đã tăng mạnh trong 2 tháng sau đó. Tuy nhiên, thị trường đã chứng kiến sự bán tháo của các cổ phiếu ngoại khi triển vọng về việc FED tăng lãi suất trong những tháng cuối năm tăng lên cũng như các bất ổn về an ninh chính trị toàn cầu. Những lo ngại này đã làm tăng dòng vốn rút ra khỏi Philippines lên tới 807,15 triệu USD trong tháng 9 – mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Cũng như hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực, đồng Peso cũng đã mất giá so với đồng USD liên quan tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra các kế hoạch tăng lãi suất . Tính đến hết tháng 11, đồng Peso đã giảm giá 5,5% so với năm 2015. Đặc biệt, sau khi FED tăng lãi suất lần đầu tiên, đồng Peso đã bị mất giá mạnh nhất vào hôm 24/12, xuống mức 50 Peso/USD – mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, tỷ giá giao dịch đã dần ổn định trở lại ở mức 49,67 Peso/USD vào cuối tháng 12. Nhìn chung, có thể cho rằng nguồn ngoại hối ổn định từ các nguồn kiều hối chuyển về, vốn FDI, nguồn thu từ du lịch và xuất khẩu dịch vụ BPO cũng như tăng trưởng kinh tế vững chắc đã góp phần giúp ổn định đồng peso trong năm 2016./.
T.A