Triển vọng phát triển kinh tế của ASEAN những tháng tới đây đứng trước nhiều thách thức, rủi ro xuất phát từ bản thân các nền kinh tế trong khu vực cũng như từ các nhân tố quốc tế bên ngoài.
Thứ nhất, sự suy giảm tín dụng, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và tăng trưởng sụt giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục xảy ra. Viễn cảnh trên tác động trực tiếp đến lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu đầu vào của các quốc gia ASEAN như Malaysia và Indonesia. Thêm vào đó, tình hình kinh tế khó khăn của Trung Quốc có thể khiến người dân nước này hạn chế du lịch ra nước ngoài, tác động không nhỏ đến nguồn thu ngoại tệ của các nước phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc như Thái Lan và Việt Nam.
Thứ hai, sự khó lường trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống mới Donald Trump có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài của các quốc gia Đông Nam Á. Ngay khi nhậm chức, chính quyền của ông Trump đã tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP và đe dọa áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế là thành viên TPP như Việt Nam và Malaysia.
Thứ ba, tốc độ toàn cầu hóa chậm lại, thậm chí suy yếu do những bất đồng giữa các nước lớn về tự do hóa thương mại có thể ảnh hưởng đến kinh tế các nước ASEAN với tư cách là mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị của khu vực, thế giới.
Thứ tư, môi trường kinh doanh tại nhiều nước ASEAN vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, nhất là các quy trình, thủ tục cấp phép đầu tư còn rườm rà ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của khu vực.
Q.H