Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 tổ chức tại Bali, Indonesia vào tháng 10 năm 2003, các vị nguyên thủ các nước trong khu vực đã nhất trí thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng này. Đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế và chính trị trong khu vực và toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12 tại Cebu, Philippine năm 2007 đã nhất trí đẩy nhanh quá trình xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, đồng thời đưa ra Kế hoạch Tổng thể AEC (AEC Blueprint) ngay cuối năm đó tại Singapore với các nội dung, lộ trình cụ thể cho từng thời kì, giai đoạn.
Về cơ bản, việc thực hiện hóa AEC đòi hỏi các nước phải hoàn thành về cơ bản 4 nội dung, mục tiêu đó là: xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực có tính chạnh tranh cao, một khu vực phát triển đồng đều và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Trong bốn mục tiêu và cũng là nhiệm vụ đặt ra đối với AEC thì mục tiêu xây dựng một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất là mục tiêu quan trọng nhất, quyết định nhất đối với việc thực hiện hóa AEC. Bởi vì nội dung một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất là nội dung phổ biến nhất, cơ bản nhất, bao trùm nhất, quyết định nhất đối với bất kì một tổ chức liên kết kinh tế khu vực nào. Chỉ có trên cơ sở thực hiện các nội dung này mới tạo tiền đề để ASEAN thực hiện mục tiêu xây dựng một khu vực có tính cạnh tranh cao khi năng lực cạnh tranh của khu vực được nâng lên nhờ thực hiện các chương trình tự do hóa, phân bổ các nguồn lực hiệu quả hơn nhờ giảm rất nhiều các chi phí trung gian, tận dụng các ưu thế của hợp tác và phân công lao động... Đồng thời, thực hiện nội dung một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cũng góp phần điều chuyển nguồn lực hợp lí, tạo điều kiện cho các nước, vùng chậm phát triển hơn trong ASEAN bắt kịp nhịp độ phát triển chung, góp phần tạo nên một khu vực phất triển đồng đều và tạo động lực cho nhau trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Để có thể thực hiện nội dung một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, đòi hỏi các nước ASEAN phải thực hiện đồng thời 5 nhân tố hạt nhân đó là sự luân chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động kĩ năng. Cũng chính bởi tính chất đặc biệt quan trọng của mục tiêu một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất nên việc hiện thực hóa AEC hoàn toàn tùy thuộc vào việc thực thi các hiệp định, thỏa thuận nhằm tạo ra sự tự do của 5 thành tố bao gồm Hiệp định CEPT-AFTA nay là ATIGA, Hiệp định AFAS, ACIA, hợp tác nhằm thực hiện tự do hóa tài chính và sự tự do luân chuyển của dòng vốn, lao động có kĩ năng, liên kết các khu vực ưu tiên, lợp tác phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Ngoài ra, việc thực hiện nội dung một khu vực có tính cạnh tranh cao cũng liên quan đến nhiều hoạt động như xây dựng luật và chính sách cạnh tranh, hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực trên hàng loạt các vấn đề về thể chế, chính sách, hợp tác về quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, phát triển cơ sở hạ tầng mà trọng tâm là kế hoạch kết nối. Cuối cùng, các nội dung còn lại đòi hỏi ASEAN phải thực hiện IAI, hợp tác nhằm thực hiện các thể chế hợp tác về thương mại, đầu tư, dịch vụ trong các thể chế ASEAN+1.
Quá trình hội nhập và liên kết kinh tế của ASEAN cho thấy mặc dù các nội dung, mục tiêu của AEC không phải quá nhiều tham vọng và việc thực hiện hóa theo lộ trình đặt ra vào năm 2015 có nhiều thuận lợi nhưng cũng ẩn chứa nhiều khó khăn, thách thức. Những thuận lợi cơ bản của việc hiện thực hóa AEC đó là ASEAN đã thực thi khá thành công nhiều nội dung quan trọng của tự do hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, vốn; các nước ASEAN đều là những nước có thể chế kinh tế thị trường và có nhiều năm kinh nghiệm trong hội nhập kinh tế; các thể chế hội nhập của ASEAN ngày càng hoàn thiện; khả năng huy động các nguồn lực, và một khu vực tư nhân trong khu vực khá phát triển và đặc biệt là ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo trong khu vực. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa AEC cũng phải đương đầu với quá nhiều thách thức, cả những thách thức nội tại , bên trong cũng như thách thức từ bên ngoài. Có thể thấy hàng loạt những thách thức đang đặt ra dối với quá trình hiện thực hóa AEC như trình độ phát triển và liên kết kinh tế nội bộ khu vực còn nhiều hạn chế, chưa thực sự gắn kết các nền kinh tế thành viên với nhau do tính phân mảnh; chia cắt; chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nền kinh tế thành viên trở thành một rào cản lớn đối với việc thực thi những thể chế chung, trong việc phối hợp và hài hòa chính sách, lợi ích không được phân bổ đồng đều...; thể chế hợp tác và liên kết kinh tế khu vực mang tính lỏng lẻo, phi tập trung, dựa trên nguyên tắc đồng thuận, rồi phương cách ASEAN cũng ảnh hưởng đến khả năng hiện thực hóa; lợi ích của các quốc gia thành viên là nhân tố chi phối chủ yếu; những tác động của quá trình liên kết và hội nhập với bên ngoài thông qua các FTA cũng là những nhân tố tác động rất mạnh đến tính cố kết, hướng tâm, tính bền vững của liên kết kinh tế khu vực. Chính điều này đã làm cho việc triển khai các nội dung cụ thể cũng hạn chế do những yếu kém trong phối hợp giữa các thể chế, chính sách của quốc gia và khu vực cũng như năng lực thực hiện các cam kết, thỏa thuận. Biểu hiện rõ ràng nhất chính là kết quả thực hiện các biện pháp nhằm hiện thực hóa AEC đến hết năm 2011 đó là, ASEAN mới thực hiện được 187 biện pháp trên tổng số 277 biện pháp của 4 nội dung, mục tiêu, tức là chỉ đạt được tỉ lệ 67,5% các biện pháp đề ra cho thời kì 2008- 2011.
Từ những thuận lợi và thách thức nêu trên, việc hiện thực hóa AEC vào năm 2015 là một quá trình đầy khó khăn. Tuy nhiên, với phương cách vốn có của mình, một AEC với 4 nội dung đã nêu được xem là sẽ hoàn thành theo mục tiêu đã định. Nhưng chắc chắn là, sẽ còn nhiều biện pháp đề ra trong 4 nội dung của AEC còn phải tiếp tục được thực thi sau năm 2015. Từ những vấn đề đã nêu, việc hiện thực hóa AEC đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên tham gia vào cộng đồng, từ các thực thể khu vực đến quốc gia, từ cộng đồng các doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân tới các tổ chức xã hội và người dân.
Quá trình hiện thực hóa AEC vào năm 2015 cũng như quá trình hoàn thiện sau đó sẽ có những tác động nhiều chiều, trên nhiều phương tiện đối với các nền kinh tế các nước thành viên cũng như cho toàn khu vực. Đối với nước ta, việc hiện thực hóa AEC sẽ có những tác động tích cực nhưng cũng ẩn chứa quá nhiều nhân tố khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là những cơ hội và thách thức đan xen trên các vấn đề cải cách, hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Con đường để đưa nền kinh tế nước ta hội nhập thành công vào khu vực chính là phải biến những khó khăn và thách thức đó thành cơ hội thực sự cho sự phát triển trong những năm sắp tới, đặc biệt là cơ hội đấy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách thể chế, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế./.
Nguồn tư liệu: Nguyễn Văn Hà (cb), Hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động đến Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013.