Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của ASEAN (MRA) về “Tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP) đối với ngành Dược phẩm đã được xác định là một sáng kiến ưu tiên cho tiến trình thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015. Theo đó, vào năm 2005, lực lượng đặc biệt MRA về giám định GMP được thành lập.
Những lợi ích từ việc thực hiện MRA trong ASEAN về giám định GMP bao gồm:
• Tránh trùng lặp việc giám định GMP trong ASEAN;
• Tiết kiệm thời gian, nguồn lực và chi phí cho cả cơ quan quản lý và các ngành công nghiệp dược phẩm;
• Thúc đẩy thương mại đối với ngành dược phẩm trên toàn ASEAN;
• Người tiêu dùng và bệnh nhân trong ASEAN có khả năng tiếp cận các sản phẩm dược phẩm nhanh hơn;
• Tăng khả năng cạnh tranh của ASEAN với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU và các nước có ngành dược phẩm lớn rên thế giới.
Cơ quan Khoa học Y tế Singapore, Cục quản lý Dược phẩm quốc gia Malaysia, Cơ quan quốc gia Indonesia về quản lý Y tế và Thực phẩm là ba cơ quan đầu tiên tham gia vào danh sách Dịch vụ giám định GMP của ASEAN. Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan vừa trở thành thành viên thứ 4 trong danh sách này vào ngày 13 tháng 3 năm 2015, ngay sau khi Hội nghị nhóm công tác về dược phẩm (ACCSQ) lần thứ 22 được tổ chức tại Viên Chăn- Lào trong hai ngày từ 12 tháng 3 năm 2015.
Như vậy, lực lượng đặc biệt MRA về giám định GMP của ASEAN dự kiến sẽ đóng góp vào các mục tiêu lớn trong tiến trình thành lập AEC vào năm 2015, trong đó bao gồm sự hình thành một khu vực ASEAN có tính cạnh tranh cao, với một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất được tích hợp đầy đủ với nền kinh tế toàn cầu.
Hà Phương- theo Ủy ban thư ký ASEAN