Năm 2007, các nhà lãnh đạo ASEAN họp và đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào tháng 12/2015. Với việc thành lập AEC, trình độ nghiên cứu khoa học kỹ thuật của các nước ASEAN không ngừng được nâng cao, phát triển nhưng đi cùng đấy là vấn đề khoảng cách trình độ lao động của các nước ngày càng rõ rệt. Tự do dịch chuyển lao động có kỹ năng là một chủ đề trọng tâm trong cuộc thảo luận của các quốc gia thành viên, trên thực tế, đã có nhiều thỏa thuận được triển khai: Các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs), điều chỉnh phù hợp thủ tục cấp thị thực và tuyển dụng đối với các lao động có chuyên môn và tay nghề tham gia hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới, thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại hóc trong phạm vi ASEAN để nâng cao tính năng động cho các sinh viên và đội ngũ giáo dục.
Kế hoạch xây dựng AEC sắp hoàn thành, tạo thuận lợi cho việc tự do di chuyển lao động giữa các nước trong khu vực. Điều này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển, đưa nguồn nhân lực có kỹ năng tới các nước có nguồn thu nhập cao đồng thời giải quyết được bài toán thất nghiệp và phát triển năng lực cho các nước có mức thu nhập thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình dịch chuyển lao động gặp khá nhiều khó khăn như tốc độ diễn ra rất chậm chạp, không đồng đều bởi các chính sách nhập cư chưa hợp lí, thiếu đồng bộ trong chương trình giáo dục và hệ thống chứng chỉ - bằng cấp cũng như thực tế khoảng cách chênh lệch thu nhập của các nước khiến các quốc gia lo ngại nguy cơ chảy máu chất xám.
Việc tự do di chuyển lao động trong ASEAN yêu cầu có các cải cách chính sách và sự đồng bộ về thủ tục ở cả cấp quốc gia và khu vực. Ví dụ như ASEAN hiện vẫn thiếu một hệ thống cập thị thực đồng bộ cho các doanh nghiệp nước ngoài và lao động có kỹ năng. Giấy phép làm việc và thị thực lao động vẫn lệ thuộc vào các nguyên tắc và luật lệ các nước sở tại. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều rào cản về mặt pháp lý hiện nay, các nước thành viên khó có thể sớm thay đổi chính sách của mình để nhanh chóng hiện thực hóa lý tưởng của AEC về một khu vực tự do di chuyển lao động có kỹ năng. Bên cạnh đó, những bất đồng xung quanh các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau cũng như thiếu đồng bộ về hệ thống đào tạo chuyên môn và cấp chứng chỉ văn bằng của các nước thành viên, ứng dụng thực tế là công việc có nhiều rủi ro trong khi trách nhiệm công nhận trình độ chuyên môn lại thuộc phần cơ chế quản lý của các cấp dưới nhà nước. Việc thiếu vắng trầm trọng nhận thức về các thỏa thuận thừa nhận và hiểu biết về AEC chính là cản trở không hề nhỏ, hạn chế các động lực về chính trị xã hội để thúc đẩy tiến trình này.
Không chỉ có những trở ngại về chính sách và thủ tục mà còn có một vấn đề các nước vô cùng quan tâm là chảy máu chất xám. Đây là hiện tượng các lao động có trình độ cao tới các quốc gia phát triển hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm, với mức lương cao hơn và đảm bảo chất lượng cuộc sống hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và cá nhân có trình độ cao lại đang không biết tới lợi ích của việc tự do di chuyển lao động, quyết tâm chính trị và sự ủng hộ của dư luận vẫn chưa đủ để thúc đẩy MRAs.
Chừng nào những rào cản này còn tồn tại, mục tiêu chuyên nghiệp hóa lao động và đem lại sự thịnh vượng cho toàn khu vực ASEAN vẫn còn mông lung và xa vời.
X.T
tổng hợp