Đông Nam Á đang trong tình trạng lãng phí nhân tài. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính có 1,3 triệu người lao động có trình độ đại học đã tìm tới các nước có thu nhập cao hơn ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,… Đối với khu vực ASEAN, để cạnh tranh hiệu quả trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng dựa vào trí thức và các thách thức từ nguồn lao động có tay nghề cao ngày càng tăng ở các nước láng giềng như Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần thúc đẩy, tăng cường cam kết của khu vực để xây dựng cơ sở hạ tầng nguồn nhân lực, tận dụng tốt hơn nguồn nhân lực sẵn có để ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”.
Mười nước thành viên ASEAN đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc đáp ứng một số mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tạo nên một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất. Tuy nhiên, dù đã có những tiến bộ trong việc tạo điều kiện cho sự dịch chuyển lao động có tay nghề trong khi vực nhưng tính đến nay, việc triển khai vẫn diễn ra rất chậm. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Viện nghiên cứu chính sách nhập cư (MPI) đã đưa ra 3 nguyên nhân chính lý giải điều này. Thứ nhất, các lao động có tay nghề trong khu vực thường nhận thấy những kĩ năng, kiến thức giáo dục ít được sử dụng. Thứ hai, người lao động phải đối mặt với sự hạn chế trong việc tiếp cận thị trường lao động ASEAN. Thứ ba là nhiều lao động đã tự hạn chế các cơ hội tìm kiếm công việc do nhận thức văn hóa, ngôn ngữ và các khá biệt kinh tế - xã hội.
Với một thị trường ngày càng phát triển của hơn 600 triệu người tiêu dùng và GDP gần 3000 tỷ USD, ASEAN đang chờ đợi sẽ gặt hái được nhiều thành tựu nhờ cách tiếp cận thích hợp để tạo điều kiện cho dòng chảy lao động có kỹ năng. Trong trường hợp không có một lực lượng lao động được đào tạo tốt, các doanh nghiệp không thể phát triển, các ngành công nghiệp không thể cạnh tranh. Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh ngày càng cao ở ASEAN, các nước trong khu vực cần nỗ lực đóng góp cho sự hấp dẫn kinh tế của khu vực thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất và nhân lực. Vì vậy, rất quan trọng để đặt ra một lộ trình đầy tham vọng nhưng thực tế, hướng tới sự dịch chuyển tự do lao động có trình độ ở khu vực trong thập kỷ tới.
X.T
tổng hợp