VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở MYANMAR

29/11/2016

VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ  BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở MYANMAR

Đạo Phật là một trong những hệ tư tưởng cổ xưa nhất trên thế giới, vừa là triết học vừa là tôn giáo. Ở Ấn Độ, đạo Phật ra đời từ thế kỷ VI trước công nguyên, người sáng lập là thái tử Siddharta Gautama (hiệu Tất Đạt Đa). Nhờ hệ thống giáo lý chủ trương bình đẳng giữa các chúng sinh, mở đường giải thoát cho họ khỏi mọi bất hạnh khổ đau nên đạo Phật đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi - không chỉ tại nơi đã sản sinh ra nó mà còn lan tỏa tới nhiều quốc gia trên thế giới, có nhiều đóng góp với nhân loại. 

           Riêng đối với vấn đề bình đẳng giới, có thể xem Phật giáo là một trong những tôn giáo đầu tiên công nhận bình đẳng giới, bênh vực quyền lợi người phụ nữ. Tương truyền: Ngay từ thời Đức Phật tại thế, Ngài đã từng thuyết pháp cho vua Pasedani nước Kosala - người đang thất vọng vì nghe tin hoàng hậu sinh hạ công chúa rằng: “Thưa đức vua, có một số thiếu nữ, đôi khi còn tốt hơn con trai. Vì thiếu nữ ấy khi trưởng thành, có trí tuệ và đức hạnh, được cha mẹ chồng vị nể. Rồi sinh được con trai, là anh hùng quốc chủ của một quốc gia”.

          Như vậy, với sự xuất hiện của Phật giáo và theo quan niệm của đạo Phật, phụ nữ bình đẳng với nam giới trên nhiều phương diện và họ được xem là những cá nhân có quyền tự do theo đuổi nếp sống mà họ lựa chọn.

Quan điểm này của Phật giáo đã được thể hiện rõ trong đời sống văn hóa - xã hội Myanmar. Trên đất nước Chùa Vàng, vấn đề bình đẳng nam - nữ, vợ - chồng trở thành nguyên tắc tự nhiên, được tôn trọng và giữ gìn trong lối sống của mỗi người. Ở đây, người phụ nữ có các quyền ngang với nam giới (trừ lĩnh vực tôn giáo). Quyền ấy được thể hiện trong tình yêu, hôn nhân, ly hôn và nhiều lĩnh vực khác của xã hội.

Về phương diện tình yêu: Phụ nữ Myanmar là người được tôn trọng và được tự do yêu đương.  Họ có quyền lựa chọn bạn đời theo cách mà họ muốn chứ không có bất cứ sự áp đặt nào. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, họ còn có quyền “chủ động” tấn công người con trai mà họ đem lòng yêu thương.

Đến khi trở thành vợ chồng thì người phụ nữ Myanmar có quyền tham gia giải quyết mọi công việc trong gia đình, từ việc nhỏ nhất đến việc lớn; từ việc nội trợ, đồng áng, giáo dục con cái đến tham gia các hoạt động sản xuất khác như: dệt vải, buôn bán... Nhờ các hoạt động này mà trong không ít gia đình Myanmar, người phụ nữ đã thành trụ cột bởi vì họ giỏi buôn bán và trên thực tế, có thu nhập cao hơn chồng. Công việc mà họ làm mang lại những nguồn thu nhập rất đáng kể. Với tính chất này, gia đình của người Myanmar thực sự là một tổ ấm, là nơi nương tựa lẫn nhau giữa vợ và chồng. Đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao Myanmar là nước có tỷ lệ ly hôn thấp nhất Đông Nam Á.

Còn trong trường hợp đã lỡ kết hôn mà chung sống không hòa hợp, người phụ nữ Myanmar vẫn có thể ly hôn với thủ tục không phức tạp và được hưởng một nửa tài sản. Thậm chí, phụ nữ Myanmar thường được xử “ưu tiên” về tài sản hơn người chồng khi “đường ai nấy đi”.

Ở phương diện xã hội, phụ nữ Myanmar cũng được các quyền bình đẳng như nam giới. Họ được tự do học hành, phấn đấu và tham gia vào chính trường.  Hiện tại, Quốc hội nước này có 15% đại biểu là phụ nữ.

Ở nhiều đô thị, vì “mải theo đuổi” những khát vọng cá nhân, khoảng 30% phụ nữ Myanmar không lập gia đình. Trong các công sở, tỷ lệ này lên đến 50%.

Như vậy, vấn đề bình đẳng giới ở Myanmar có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau và Phật giáo với những quan niệm tiến bộ đã có vai trò nhất định trong vấn đề này. Với ý nghĩa đó, Phật giáo Myanmar thực sự có một sức sống mạnh mẽ, lâu bền suốt hàng nghìn năm lịch sử, không chỉ trong quá khứ mà còn nối dài tới hiện tại.


H.Đ


Các tin đã đưa ngày: