Tác động của các biểu tình 2013-2014 đến kinh tế Thái Lan

29/11/2016

Tác động của các biểu tình 2013-2014 đến kinh tế Thái Lan

Tác động lớn nhất của cuộc khủng hoảng chính trị 2013 - 2014 là tốc độ tăng trưởng suy giảm nhanh chóng của Thái Lan. Tăng trưởng GDP của nước này lần lượt chỉ đạt 2,8% và 0,9% trong năm 2013 và 2014 so với tỷ lệ trên 5% của năm 2012.[i] Đây đều là những tỷ lệ tăng trưởng thấp của Thái Lan kể từ cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á 1997-1998 (ngoại trừ năm 2011). Tương tự, thu nhập của người dân Thái Lan không những không tăng mà còn bị giảm sút đi tương đối trong thời kỳ khủng hoảng chính trị. Thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan đã giảm từ 6.166 USD năm 2013 xuống còn 5.894 USD năm 2014 và 5.732 USD năm 2015.[ii]

Hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Thái Lan đều nhuốm màu u xám. Cụ thể, ngay khi khủng hoảng chính trị nổ ra, vào tháng 12/2013, đồng nội tệ của Thái Lan đã xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trước đó, và mất 4,6% giá trị so với tháng 11/2013. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán của Thái Lan cũng giảm 9,1%, góp phần khiến cho thị trường vốn sụt giảm tới gần 50% khi kết thúc năm 2014.[iii] Cán cân ngân sách quốc gia tiếp tục bị thâm hụt, tương đương 2% GDP đồng thời, tỷ lệ nợ công/GDP gia tăng từ 42% lên đến 44% giai đoạn 2013 – 2015, so với mức 40% của năm 2012. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng từ 0,5% của năm 2012 lên 0,7% năm 2015.[iv]

Khủng hoảng chính trị cũng tác động mạnh đến niềm tin của người tiêu dùng vào kinh tế Thái Lan, ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng và đầu tư nội địa. Cụ thể, tăng trưởng tiêu dùng đã giảm từ 6,7% năm 2012 xuống còn 1,1%; 0,6%; và 2,1% lần lượt các năm 2013, 2014 và 2015. Tương tự, đầu tư nội địa của Thái Lan thậm chí còn tăng trưởng âm 1% và âm 2,4% giai đoạn 2013 – 2014, so với tỷ lệ tăng trưởng dương 10,7% của năm 2012.

Một lĩnh vực khác của nền kinh tế Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ khủng hoảng chính trị là du lịch - vốn đóng góp tới gần 10% tổng sản lượng quốc gia. lượng khách nước ngoài đã giảm 8,2% vào tháng 2/2014 so với cùng kỳ năm trước, thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm triệu USD.[v]



[i] Helene Drouot (2015), “Thailand- Difficult transition to democracy”, Economic Research, BNP Paribas, October 2015.

[ii] Focus Economics (2016), “Thai Economic Outlook 2016”, http://www.focus-economics.com/countries/thailand, truy cập ngày 12/9/2016.

[iv] ADB (2016), “Asian Development Outlook 2016 – Asia’s Potential Growth”, Philippines: Asian Development Bank.

[v] Akura Barua (2014), “Thailand: The pangs of political unrest”, Asia Pacific Economic Outlook, Deloitte Univeristy Press, May 2014, http://dupress.com/articles/asia-pacific-economic-outlook-may-2014-thailand, truy cập ngày 14/7/2016.

 


Q.H


Các tin đã đưa ngày: