Tích cực hội nhập
Tại Hội thảo quốc tế “Tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN- Kinh nghiệm quốc tế và Hàm ý cho Việt Nam” do Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức tại Hà Nội, ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế cho biết: Tính từ 1-1-2008 đến 31-7-2013, ASEAN đã thực hiện được 79,7% tất cả các biện pháp xây dựng AEC. Các biện pháp còn lại chủ yếu thuộc các lĩnh vực: thuận lợi hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư và giao thông vận tải.
Việt Nam là một trong những nước đạt tỷ lệ thực thi các biện pháp xây dựng AEC cao nhất (đạt 84,8%) cùng với các nước Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Điều này thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết hướng tới mục tiêu chung của ASEAN vào năm 2015 cũng như những nỗ lực cải cách hành chính trong nước.
Ông Trịnh Minh Anh chia sẻ: “Được biết, cho tới nay, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10 nghìn dòng thuế xuống mức 0-5% theo ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Việt Nam là một trong bốn thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC”.
Cộng đồng AEC: Nhiều thách thức cho Việt Nam
Hiện nay, các nước ASEAN đang phải đứng trước thách thức về khả năng thực thi các biện pháp AEC đúng thời hạn. Nguy cơ “lỗi hẹn” việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 đang dần hiện hữu.
Đáng chú ý, mặc dù việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tác động rất lớn đến xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp nhưng nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về AEC còn hạn chế. Theo báo cáo của Ban Thư ký ASEAN thực hiện năm 2012, 76% người dân không hiểu rõ về AEC trong khi cũng chỉ có 55% doanh nghiệp có hiểu biết cơ bản về ASEAN.
Mặt khác, nhiều thành viên ASEAN có xu hướng gia tăng sự tham gia vào các liên kết thương mại với các nước khu vực châu Á và thế giới đã làm cho hội nhập kinh tế nội khối ASEAN trở nên phức tạp và nhiều thách thức hơn.
Ông Phạm Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng gặp rất nhiều thách thức khi tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN. Thứ nhất do chênh lệch phát triển giữa Việt Nam với một số nước ASEAN, trình độ phát triển của Việt Nam thấp hơn so với các nước. Thứ hai năng lực cạnh tranh hiện nay của Việt Nam cũng còn thấp hơn các nước trong khu vực. Thứ ba Việt Nam có hạn chế liên quan đến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế.
Tuy nhiên theo ông Phạm Hồng Sơn, Việt Nam đã nhận thức được những điều đó và đang cố gắng đẩy mạnh 3 khâu đột phá về thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, về nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.
“Nếu đẩy mạnh được 3 khâu đột phá ấy gắn liền với tái cấu trúc nền kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng, tôi tin rằng Việt Nam có thể tận dụng cao nhất những lợi thế hội nhập kinh tế ASEAN vào năm 2015” – ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ.
Để hướng tới mục tiêu AEC vào 2015, theo ông Trịnh Minh Anh, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư nhằm cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như tạo tiền đề cho việc triển khai các cơ chế tự do hóa khi hình thành thị trường chung ASEAN.
Nguồn: Báo Hải quan