Những thay đổi chủ yếu trong chính sách thu hút vốn FDI sau khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á 1997-1998 của Indonesia (tiếp)

08/12/2016

Những thay đổi chủ yếu trong chính sách thu hút vốn FDI sau khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á 1997-1998 của Indonesia (tiếp)

Cải cách thể chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhà đầu tư và quyền sở hữu đất đai

Dưới áp lực của khu vực doanh nghiệp trong và ngoài nước, chính phủ đã cố gắng cải cách hệ thống luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ như công nhận bằng sáng chế, bản quyền kiểu dáng công nghiệp, đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn với những hành vi xâm phạm bản quyền. Chính phủ cũng thành lập một cơ quan mới có tên gọi “Nhóm công tác về các quyền sở hữu trí tuệ quốc gia”, hoạt động như một cơ quan ngang bộ, với mục đích tăng cường thực thi các quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Ngoài ra, Indonesia đã ký nhiều công ước quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như là thành viên của Hiệp ước Hague liên quan đến đăng ký quốc tế về thiết kế công nghiệp.

Về bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ Indonesia đã ký 65 hiệp định bảo vệ đầu tư song phương (phần lớn trong thập niên 1990), trong đó chính phủ có trách nhiệm bảo quyền kinh doanh, quyền chuyển nhượng cũng như áp dụng các quy tắc đối xử quốc gia, quy chế tối huệ quốc đối với doanh nghiệp nước ngoài. Về quyền sở hữu đất đai, trước khi thực hiện luật đầu tư mới, các công ty nước ngoài chỉ được thuê đất trong vòng 25-35 năm, với sự gia hạn trong các thời kỳ giống nhau. Bộ luật đầu tư 2007 mới cho phép mở rộng thời gian thuê đất lên đến 60 năm, kèm theo quyền gia hạn. Các thủ tục thuê đất và gia hạn thời gian thuê đã được đơn giản hóa, rút ngắn, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nước ngoài.

Cải cách thủ tục hải quan và chính sách thuế

Cải cách các thủ tục hải quan của Indonesia bắt đầu từ năm 2002 với mục tiêu thuận lợi hóa thương mại và giảm thiểu tình trạng tham nhũng, trong đó tập trung vào bốn lĩnh vực chính: tổ chức hiệu quả; hệ thống thủ tục hiệu quả; nguồn nhân lực; và tiền công. Hải quan Indonesia đã thành lập Văn phòng hải quan hiện đại nhằm giảm thiểu tình trạng tham nhũng thông qua: cải thiện thẩm quyền của nhân viên, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và cung cấp các dịch vụ chất lượng. Mặt khác, chính phủ đã đưa ra và thực thi sáng kiến “Một cửa quốc gia Indonesia” vào năm 2007 như là một bộ phận của sáng kiến “Một cửa ASEAN”, được kỳ vọng góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong quá trình thực thi, xử lý các thủ tục hải quan.

Về chính sách thuế, luật pháp Indonesia quy định, các công ty thuộc sở hữu nước ngoài ở Indonesia có thể nhận được những ưu đãi về thuế tương tự như các công ty nội địa. Chính phủ đã thiết lập một cơ chế đánh giá gánh nặng về thuế đối với các doanh nghiệp, từ đó đưa ra các kế hoạch và chương trình hành động cụ thể phù hợp với tình hình kinh doanh chung của doanh nghiệp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Các gói ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp nước ngoài cũng được áp dụng trong những lĩnh vực Indonesia có lợi thế (lâm nghiệp, giấy, dầu, cao su), các ngành công nghiệp xanh, cải thiện môi trường (địa nhiệt, khí hóa dầu) và những ngành khuyến khích chuyển giao công nghệ.


Q.H


Các tin đã đưa ngày: