Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tuyến đường sắt Côn Minh- Singapore. Các dự án này đã được Trung Quốc đưa vào hai bản kế hoạch phát triển ngành đường sắt quốc gia bao gồm “Kế hoạch trung và dài hạn đối với mạng đường sắt Trung Quốc” và “Kế hoạch năm năm xây dựng đường sắt lần thứ 11”. Với sự trợ giúp từ ADB, Trung Quốc đã xây dựng được ba tuyến đường sắt theo tiểu hành lang phía Tây, Trung Tâm và phía Đông. Cụ thể, đối với tiểu hành lang phía Tây, dựa vào các báo cáo nghiên cứu khả thi, Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt Guangtong-Dali vào năm 1998 và tuyến đường sắt Dali-Ruilli vào năm 2011. Đồng thời, quốc gia này cũng phê duyệt và hoàn thành Dự án mở rộng công suất của hai tuyến đường sắt là Côn Minh-Guangtong và Guangtong-Dali. Đối với tiểu hành lang Trung tâm, sau khi tham gia dự án GMS, Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt Côn Minh- Yuxi vào năm 1993 và đang tiến hành xây dựng tuyến đường sắt Yuxi-Mohan dài 503 km nối Trung Quốc với Lào để tạo thành trung tâm Logistic của tiểu vùng. Đối với tiểu hành lang phía Đông, Trung Quốc đã cho xây dựng tuyến đường sắt Yuxi-Mengzi dài 141km (hoàn thành năm 2013) và tuyến đường sắt Mengzi-Hà Khẩu dài 140km (hoàn thành năm 2014). Bên cạnh đó, việc xây dựng đường sắt ở lưu vực sông LanCang– Mê Công cũng được tăng tốc toàn diện. Trung Quốc thúc đẩy xây dựng tuyến đường sắt nối với Lào và Thái Lan thông qua hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật. Theo đó ngày 12 tháng 5 năm 2015, tuyến đường sắt Trung – Lào đoạn trong nước Lào được khởi công xây dựng, chỉ sau một tuần, dự án hợp tác đường sắt Trung Quốc – Thái Lan cũng khởi động tại tỉnh Ayutthaya.
Đối với hành lang kinh tế trên sông, Trung Quốc cũng tăng cường xây dựng và nâng cấp 71km dòng kênh chuyển hướng dọc sông Lancang để thuận tiện cho các tàu lớn có thể di chuyển thuận tiện. Phần việc chính của các dự án là xây dựng 5 luồng kênh từ Jinghong đến tượng đài Kỷ niệm 243 năm tại biên giới Trung Quốc-Myanmar, đồng thời Trung Quốc tiến hành công việc cải tạo kênh và loại bỏ những mối nguy hiểm liên quan. Về vận tải hàng không, Trung Quốc tiếp tục cải thiện và mở rộng hệ thống sân bay trong nước kết nối với các quốc gia trong GMS để tạo thành mạng lưới sân bay thúc đẩy vận chuyển qua đường hàng không.
Để thúc đẩy quá trình hình thành các hành lang kinh tế hơn nữa, tại Hội nghị Cấp cao GMS 3 vào tháng 3 năm 2008, Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến thành lập Diễn đàn các Hành lang kinh tế GMS (GMS Economic Corridors Forum) nhằm: (1) Tăng cường hợp tác giữa các vùng nằm trong Hành lang Kinh tế Bắc-Nam, Hành lang kinh tế Đông-Tây và Hành lang kinh tế phía Nam; (2) Trao đổi thông tin ở cấp Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế nhằm tạo môi trường thuận lợi cho thương mại, đầu tư, lao động; (3) Thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động GMS; (4) Mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các hành lang kinh tế; (5) Thu hút trợ giúp kỹ thuật và tài chính của các nhà tài trợ vào các hành lang kinh tế GMS.
H.P