Ngày 29 tháng 11 năm 2019 tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ (IIC), New Delhi, Ấn Độ đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Biển Đông: Thách thức hiện tại và triển vọng tương lai”. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu An ninh, Trường các vấn đề quốc tế thuộc Đại học toàn cầu O.P Jindal tổ chức.
Tham dự hội thảo là các học giả hàng đầu của Ấn Độ về chiến lược quốc tế và Biển Đông, giới truyền thông của Ấn Độ. Việt Nam cũng có hai học giả tham dự hội thảo này.
Hội thảo được diễn ra trong 04 phiên. Phiên khai mạc bao gồm phát biểu khai mạc của GS. Sreeram Chaulia, Hiệu trưởng Trường các vấn đề quốc tế,Đại học O.P Jindal toàn cầu và phát biểu khai mạc đặc biệt của GS. Brahma Chellaney, Trung tâm Nghiên cứu chính sách (CPR), New Delhi.
Phiên thứ nhất của Hội thảo bàn về Địa chính trị Biển Đông với các tham luận: (1) Nhân tố biển ngày càng tăng ở biển Đông của TS. Vijay Sakhuja, Nguyên giám đốc Quỹ Biển Quốc gia Ấn Độ; (2) Nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ đáy biển: khả năng theo đuổi khai thác như thế nào của TS Oliver Gonsalves, Quỹ Biển Quốc gia Ấn Độ; (3) Khía cạnh kinh tế của Biển Đông: Thương mại, nghề cá và bảo hiểm của TS Faisal Ahmet, Trường Quản lý FORE; và (4) Quan điểm của Việt Nam về những phát triển ở Biển Đông của TS. Nguyễn Bá Cường, Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo (Việt Nam).
Phiên thứ hai của Hội thảo có chủ đề Các thách thức hiện tại của Biển Đông với 04 tham luận: (1) Thực thi UNCLOS và tuân thủ các quy định quốc tế của TS. Sarabjeet Parmar, Giám đốc điều hành, Quỹ Biển Quốc gia Ấn Độ; (6) Từ thái độ hung hăng đến chiêu bài đáng sợ: Trung Quốc với Biển Đông của TS. Sana Hashmi, cố vấn khu vực Đông Á, Bộ Ngoại giao Ấn Độ; (3) Tranh chấp Biển Đông: Vai trò của ASEAN và việc soạn thảo COC của TS. Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; và (4) Các nước lớn và thái độ thờ ơ của cộng đồng quốc tế đối với Biển Đông của TS. Udai Bhanu Singh, Viện Phân tích Quốc phòng và chiến lược (IDSA) Ấn Độ.
Phiên thứ ba bàn về Triển vọng tương lai của Biển Đông với các tham luận: (1) Liệu Bộ tứ có phải là một công cụ có ích ở Biển Đông? của Tướng Shashi Asthana, Viện Dịch vụ thống nhất Ấn Độ (USI); (2) Kích hoạt truyền thông và duy trì sự chú ý quốc tế của Rudroneel Ghosh, Thời báo Ấn Độ (Times of India); (3) Con đường tơ lụa trên biển và Cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của TS. Sripathi Narayanan, Trường Quốc tế OP Jindal; và (4) Đánh giá chiến lược khả thi-quan điểm từ Ấn Độ của TS Pankaj Jha, Trường Quốc tế OP Jindal.
Các tham luận đã bàn đến nhiều chiều cạnh khác nhau của trong vấn đề biển Đông, từ góc độ pháp lý của tranh chấp Biển Đông, quan điểm và phương thức triển khai của Trung Quốc, ASEAN và quốc tế với Biển Đông và quan điểm của Việt Nam và Ấn Độ đối với những vấn đề đang diễn ra ở Biển Đông.
Trong bài trình bày của mình tại Hội thảo, TS. Võ Xuân Vinh nhận định, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2012 đã không thể đưa ra thông cáo báo chí do bất đồng liên quan tranh chấp tại Biển Đông. Sau khi có những tuyên bố riêng rẽ về diễn biến tình hình trên Biển Đông trước việc Trung Quốc đưa dàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi năm 2014, tinh thần hợp tác của ASEAN có chiều hướng đi xuống. Mặc dù đã cố gắng thể hiện tinh thần của tổ chức, tuy nhiên gần đây các cụm từ như “một số nhà lãnh đạo,” “một số Bộ trưởng” đã xuất hiện trong Tuyên bố Chủ tịch và Tuyên bố chung thay cho các cụm từ “lãnh đạo,” “Bộ trưởng” được sử dụng trước đây. Ông nhấn mạnh thêm rằng, tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cách tiếp cận của Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN. Do vậy, việc ASEAN và Trung Quốc đạt được một COC có tính ràng buộc về mặt pháp lý vào năm 2021 là rất khó.
Võ Xuân Vinh
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á