Ngày 28/4/2020, tại Hội trường Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Hội thảo khoa học “Dịch chuyển lao động trong nông nghiệp Thái Lan và Malaysia, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” đã được tổ chức. Hội thảo trong khuôn khổ đề tài cấp bộ “Dịch chuyển lao động nông nghiệp của Thái Lan, Malaysia và hàm ý cho Việt Nam” do TS. Lê Phương Hòa làm chủ nhiệm.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 30 nhà khoa học trong và ngoài Viện quan tâm đến chủ đề nghiên cứu về dịch chuyển lao động nông nghiệp, đặc biệt là các chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này ở Thái Lan và Malaysia.
TS. Lê Phương Hòa trong tham luận đề dẫn đã nhấn mạnh “Phát triển của công nghệ và kinh tế tri thức của thời đại công nghiệp 4.0 khiến nông nghiệp có xu hướng giảm về cơ cấu lao động. Sự dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác một mặt thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác, tăng năng suất lao động, nhưng đồng thời cũng tạo nên nhiều khoảng trống lao động cho chính ngành nông nghiệp. Việt Nam đã có nhiều chính sách, chương trình liên quan, tuy nhiên việc không ngừng cải thiện để phù hợp với sự vận hành liên tục của nền kinh tế đòi hỏi sự nghiên cứu cụ thế mang tính học hỏi và kế thừa từ bài học của các nước khác. Bài học từ Thái Lan và Malaysia trong việc dịch chuyển lao động nông nghiệp sang các khu vực khác nhưng vẫn giữ nhịp tăng trưởng và phát triển nông nghiệp nên được nghiên cứu và tham khảo cho Việt Nam.
Cùng với các tham luận được trình bày tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã có nhiều thảo luận sôi nổi với những câu hỏi đặt ra xoay quanh vấn đề vậy Việt Nam có thể học hỏi và kế thừa gì từ các bài học của Thái Lan và Malaysia. Thái Lan là một quốc gia phát triển nông nghiệp và thực tế là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường nông sản, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng một nửa Thái Lan, trong đó nông nghiệp vẫn là một yếu tố chính kéo lùi tăng trưởng. Mặc dù chiếm tới 18% tổng số GDP nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2011 lại chỉ đạt 2,4% và năng suất lao động thấp chính là vấn đề then chốt. Malaysia là quốc gia mà nông nghiệp chiếm 11% GDP và 16% lực lượng lao động, đang trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp mạnh mẽ, nhưng đứng trước thách thức của vấn đề thiếu lao động nông nghiệp, một phần của vấn đề được giải quyết bằng nhập khẩu lao động từ các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu kinh tế cùng với đó là sự dịch chuyển lao động mạnh mẽ từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp và sự chuyển dịch lao động nội ngành nông nghiệp giữa các phân ngành khác nhau. Quá trình dịch chuyển một mặt giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần tăng năng suất lao động bình quân của cả nước, mặt khác cũng tạo ra nhiều áp lực lao động việc làm và các vấn đề xã hội đi kèm. Vấn đề đặt ra là phải biết phát huy những mặt mạnh, khai thác các lợi thế của quá trình dịch chuyển lao động cũng như giải quyết các vấn đề nảy sinh do dịch chuyển lao động mang lại. Các nhà khoa học cũng cho rằng, việc kế thừa các kinh nghiệm từ các nước khác cần phải cân nhắc các yếu tố, các điều kiện để phù hợp với đặc thù của Việt Nam chứ không nên máy móc, chủ quan.
Lê Phương Hòa
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á