Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển ở các quốc gia Đông Nam Á: thực trạng và thách thức ”

22/07/2020

Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển ở các quốc gia Đông Nam Á: thực trạng và thách thức ”

Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển ở các quốc gia Đông Nam Á: thực trạng và thách thức” do Viện nghiên cứu Đông Nam Á – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp với ĐH Hà Tĩnh tổ chức đã diễn ra vào hai ngày 21-22/07/2020 tại Tp Hà Tĩnh với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ hai đơn vị.Các bài tham luận của Hội thảo tập trung vào việc nhận định đánh giá sự phát triển kinh tế biển, chiến lược biển của các nước Đông Nam Á và các thách thức trong tình hình hiện nay.

Sau phần trình bày đề dẫn khai mạc hội thảo của PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á và phát biểu chào mừng của TS Đoàn Hoài Sơn, Quyền Hiệu trưởng trường Đại Học Hà Tĩnh, hội thảo tiến hành làm việc với 7 bài tham luận trình bày và các phần thảo luận xen kẽ.

Hội thảo có 4 tham luận trình bày của các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Đông Nam Á.Bài tham luận thứ nhất với nhan đề: “Tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0” của TS. Trương Duy Hòa, Viện nghiên cứu Đông Nam Á. Tham luận phân tích về một số tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế biển ở một số nước Đông Nam Á. Từ đó, đề cập tới một số gợi ý và triển vọng phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Tham luận thứ hai của TS. Võ Xuân Vinh, Viện nghiên cứu Đông Nam Á với nhan đề “Tác động kinh tế của cướp biển ở Đông Nam Á”. Trên cơ sở làm rõ tình hình cướp biển ở Đông Nam Á trong khoảng ba thập niên qua, tham luận đã phân tích tác động kinh tế của thách thức này đối với khu vực.

Bài tham luận của PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện nghiên cứu Đông Nam Á có nhan đề “Khai thác tiềm năng, lợi thế biển đảo Việt Nam-một cách tiếp cận đa chiều”đã phân tích và làm rõ hơn cách tiếp cận đa chiều trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế biển đảo Việt Nam góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước nói chung và kinh tế biển nói riêng.

Trong tham luận: “Nhìn lại chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam thời kỳ đổi mới”PGS.TSKH Trần Khánhđã khái quát về sự đổi mới nhận thức phát triển kinh tế biển của Việt Nam thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển mà nhà nước đã ban hành trong thời kì đổi mới. Theo quan điểm của tác giả, kết quả đạt được của phát triển kinh tế biển chưa thực sự như đạt được theo yêu cầu của thực tiễn. Từ đó, tham luận bước đầu đưa ra một vài gợi ý chính sách về phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Phía Trường Đại học Hà Tĩnh có 3 tham luận trình bày. Tham luận “Nghiên cứu thực trạng và chính sách phát triển bền vững dải ven biển tỉnh Hà Tĩnh” của TS Trần Viết Cường, Trường Đại học Hà Tĩnh đã sử dụng bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững cấp địa phương ban hành năm 2013 để đánh giá mức độ phát triển bền vững tỉnh Hà Tĩnh. Các kết quả đánh giá của tham luận chỉ ra các khía cạnh phát triển kém bền vững đồng thời góp phần định hướng trong việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.

Sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung Việt Nam năm 2016 đã tác động mạnh đến sinh kế người dân sinh sống ven biển. Tham luận với nhan đề “Thực trạng và nhu cầu việc làm cho người dân ven biển miền Trung sau bối cảnh biến đổi môi trường sinh thái” của TS Bùi Thị Quỳnh Thơ, TS Hồ Thị Nga, Trường Đại học Hà Tĩnh đã làm rõ thực trạng và nhu cầu việc làm cho người dân ven biển các tỉnh Miền Trung Việt Nam sau khi xảy ra sự cố môi trường biển nói riêng và sự biến đổi môi trường sinh thái nói chung. Tham luận đã đưa ra các nhận định, kết luận định hướng việc làm bền vững cho người dân khu vực này trong thời gian tới.

Trước thực trạng hiện nay ở Hà Tĩnh việc khai thác quá mức và sử dụng ngư cụ bị cấm, sự ô nhiễm môi trường đang gây nguy cơ suy giảm nguồn lời hải sản,tham luận nhan đề “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp đánh bắt và nuôi hải sản của ngư dân ven biển” của ThS. NCS. Biện Văn Quyền, Trường Đại học Hà Tĩnh đã trình bày tóm lược nguồn lợi hải sản, tình hình khai thác và nuôi trồng và đề xuất một số giải khai thác bền vững nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ tỉnh Hà Tĩnh.

Xen kẽ giữa các phần trình bày của các diễn giả là phần thảo luận thẳng thắn, sôi nổi với nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp từ các nhà khoa học về các vấn đề liên quan đến chủ đề của Hội thảo. Kết thúc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng tổng kết và cho rằng Hội thảo đã đưa ra được một số ý kiến có giá trị tham khảo giúp cơ quan chủ trì đề xuất chính sách phù hợp cho Đảng và Chính phủ để xây dựng chương trình phát triển kinh tế Biển.

 


Nguyễn Thị Lý

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á


Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo