ASEAN hậu Covid-19: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

09/09/2020

Sáng ngày 8/9/2020, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo quốc tế “ASEAN hậu Covid-19: Thực trạng và những vấn đề đặt ra” với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng sự có mặt của một số đại biểu đến từ đại sứ quán các nước Đông Nam Á tại Hà Nội và sự tham gia trực tuyến của một số nhà khoa học thuộc các nước ASEAN như: Campuchia, Philippines, Singapore và Ấn Độ. Hội thảo do PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm và PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đồng chủ trì.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt đông đủ của các vị đại biểu, nhấn mạnh vai trò của Hội thảo trong bối cảnh hậu Covid-19 hiện nay và cho rằng Covid-19 đã cuốn phăng thành quả của các quốc gia tích lũy được trong nhiều năm, cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người và đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới ngày 8/6/2020 kinh tế thế giới năm 2020 sẽ suy giảm nghiêm trọng, ở mức âm 5,2%, thu nhập bình quân đầu người giảm 3,6% và có khả năng khiến cho 70-100 triệu người rơi vào nghèo đói cùng cực dẫn đến gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội. Hơn 40% các ngành sản xuất, kinh doanh của các quốc gia phải chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp phong tỏa dịch bệnh gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ cuộc sống của người dân nói chung.

Đông Nam Á được cho là khu vực có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên thế giới sau Trung Quốc. Kể từ đó bệnh dịch đã để lại những hệ lụy nặng nề đối với sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia thành viên Cộng đồng ASEAN. Thêm vào đó, với tầm quan trọng của vị trí địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế khu vực, Đông Nam Á một lần nữa lại trở thành điểm nóng của cạnh tranh ảnh hưởng. Đứng trước những thách thức đặt ra với các quốc gia thành viên Cộng đồng ASEAN, Hội thảo được tổ chức nhằm xem xét những diễn biến của khu vực trong thời kỳ Covid-19, đánh giá những tác động do Covid-19 gây ra đối với Đông Nam Á; nghiên cứu những giải pháp ứng phó của các nước thành viên ASEAN trên nhiều phương diện; đồng thời đưa ra những dự báo tình hình khu vực thời kỳ hậu Covid-19.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: Chúng ta đang sống trong những ngày được gọi là “bình thường mới” khi mà mọi hoạt động đều đã thay đổi do Covid-19; chứng kiến những tác động tiêu cực từ Covid-19 đến toàn bộ khía cạnh của đời sống từ kinh tế, an ninh, chính trị trong khu vực và thế giới. Cục diện toàn cầu đang có những hướng thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng khó đoán định. Cạnh tranh giữa các nước lớn đang ngày càng trở lên gay gắt rất cần sự phân tích, lý giải một cách khoa học và hệ thống từ các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành. Vì vậy, Hội thảo được diễn ra sẽ là diễn đàn khoa học cần thiết để các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi về những vấn đề thời sự hiện nay, làm cơ sở cho những vấn đề lý luận và định hướng hàm ý chính sách cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và ASEAN nói chung.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự tập trung vào các vấn đề như: diễn biến và thực trạng của đại dịch tại Đông Nam Á; tác động của nó và ứng phó của các quốc gia và ASEAN; những thay đổi trong cục diện chính trị an ninh khu vực và dự báo tình hình khu vực thời kỳ hậu Covid-19…

Theo TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á: đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp tới khu vực Đông Nam Á ngay từ đầu năm 2020 với các trường hợp ghi nhận dương tính với loại virut này ngày càng cao; Nhiều lệnh cách ly xã hội đã được ban hành, kinh tế - xã hộ các nước đều lần lượt rơi vào tình trạng trì trệ thậm trí rơi vào tình trạng tăng trưởng âm ngay từ quý 1/2020 và ở mức suy thoái trong quý 2/2020. Đứng trước khó khăn đó, tất cả các nước trong khu vực đều đã có những chính sách cụ thể với kỳ vọng hạn chế tối đa tác động của đại dịch này đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước. Về các chính sách cụ thể, tất cả các nước Đông Nam Á ngoài lệnh giãn cách xã hội và nới lỏng/hủy bỏ các lệnh giãn cách xã hội đã có thêm các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và tài chính vĩ mô để ứng phó. Có 8/11 quốc gia đã đưa ra các giải pháp về tỉ giá hối đoái và cán cân thanh toán; nhiều gói hỗ trợ tài chính đã được triển khai nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm và điều trị Covid-19; các gói tài chính nhằm tăng cường trợ giúp xã hội cho các hộ gia đình thu nhập thấp được thực hiện. Ngoài ra còn có thêm các biện pháp can thiệp về thuế và chi tiêu, các gói tài chính cũng hướng vào việc bơm vốn cho các doanh nghiệp đều được thực hiện.

Tham gia góp ý vào các báo cáo tham luận, nhiều nhà khoa học đều cho rằng các thành viên Cộng đồng ASEAN với cam kết chính trị ở mức cao nhất, cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể ở cấp quốc gia và khu vực, đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của một ASEAN đoàn kết và gắn bó, trách nhiệm để cùng nhau vượt qua đại dịch trong đó Việt Nam được thế giới thừa nhận là hình mẫu thành công trong chống dịch Covid-19 và ASEAN cũng được cho khu vực đã kiểm soát được tình hình bệnh dịch với tỉ lệ cao về số bệnh nhân khỏi bệnh trên tổng số ca lây nhiễm, tỉ lệ tử vong ở mức thấp và đang giảm nhanh. Mặt khác, các nền kinh tế ASEAN về cơ bản vẫn giữ được ổn định với mức suy giảm kinh tế thấp hơn nhiều so với bình quân của thế giới và có triển vọng phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp, tương lai của các nền kinh tế hậu Covid-19 vẫn là một đề tài khó đoán định, rất cần sự nỗ lực chung tay, không chỉ ở cấp chính phủ ở mỗi quốc gia mà còn là sự đồng lòng, chung sức của toàn thể người dân nhằm từng bước thích nghi, ứng phó với những biến đổi đang diễn ra trên toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tham gia tham luận trực tuyến, các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; đại học Philippines; Singapre; Ấn Độ đều cho rằng các quốc gia cần đẩy mạnh năng lực ứng phó với covid-19 như tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn giữa các nước thành viên ASEAN; đẩy mạnh ứng dụng CNTT; nâng cao vai trò và tầm quan trọng của an ninh mạng; tăng cường bảo hộ công dân; đẩy mạnh phục hồi kinh tế với các gói chính sách hỗ trợ cụ thể về vốn, thuế, thông quan hàng hóa và chuỗi cung ứng hàng hóa; xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo hộ người lao động và chế độ giảm nghèo ở các địa bàn vùng sâu, xa, vùng cần được hỗ trợ nhằm hướng tới sự phát triển cân bằng và bền vững, tiến tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo giai đoạn ngắn, trung và dài hạn./.

 


vass.gov.vn


Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo