Nghiệm thu đề tài cấp Bộ: “Chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan và tác động của nó đối với quan hệ Đài Loan - Đông Nam Á”.

31/12/2020

Ngày 16/11/2020, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan và tác động của nó đối với quan hệ Đài Loan - Đông Nam Á”. Đề tài do TS. Đàm Huy Hoàng làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại Khá.

Kết quả nghiên cứu chính của đề tài

Thông qua nghiên cứu cơ sở hình thành, nội dung, quá trình triển khai Chính sách Hướng Nam mới trong nhiệm kỳ đầu của Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, Nhóm đề tài đã đạt được một số kết quả khoa học chính sau:

1. NSP là chiến lược đối ngoại của Đài Loan đối với các nước láng giềng phía nam của hòn đảo này. Cơ sở lý luận cho việc hoạch định NSP không phải là một mô hình đơn nhất mà là tiếp thu những yếu tố phù hợp của các mô hình hoạch định chính sách đối ngoại như: Mô hình chủ thể duy lý; Mô hình tiệm tiến; Mô hình tổ chức quan trường và Mô hình tâm lý học. Chính sách Hướng Nam mới có cơ sở lịch sử là các Chính sách hướng Nam của các Tổng thống tiền nhiệm. Những chính sách trên đã đặt nền tảng pháp lý, không gian địa lý và các lĩnh vực hợp tác mà NSP có thể kế thừa.Các cơ sở thực tiễn của NSP là những chuyển biến trong môi trường chính trị quốc tế và khu vực đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Ngoài ra, nhu cầu xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới để đạt được sự tự chủ về kinh tế thông qua kết hợp nội lực của Đài Loan với các nguồn lực bên ngoài bằng việc tham gia vào các tiến trình hội nhập kinh tế song phương, khu vực và toàn cầu, cũng là một cơ sở thực tiễn quan trọng dẫn tới sự ra đời của NSP.

2. Cương lĩnh hành động NSP đã xác định rõ các mục tiêu dài hạn, trung và ngắn hạn, đề ra các nguyên tắc, biện pháp, bộ máy tổ chức để triển khai chính sách này.

3. Trong NSP, Đài Loan dành ưu tiên cao cho các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ. Sự ưu tiên đó được xác định dựa trên sự gần gũi về địa lý, tiềm năng thị trường và các quan hệ hợp tác tốt đẹp vốn có giữa Đài Loan và các nước trên. Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác được đề xuất dựa trên những thế mạnh truyền thống của Đài Loan như thương mại và đầu tư, giáo dục, chăm sóc y tế, du lịch và nông nghiệp thông minh…

4. Chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan, nhìn chung đã được đón nhận một cách tích cực ở các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, vì e ngại phản ứng của Trung Quốc, nên các nhà lãnh đạo Đông Nam Á không thể công khai bày tỏ ủng hộ đối với NSP. Điều họ có thể làm là chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho Đài Loan triển khai NSP ở nước họ.

5. NSP đã được triển khai khá thuận lợi ở 6 nước Đông Nam Á (Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam), bất chấp việc gây sức ép hay phản đối từ Trung Quốc. Trong số 6 nước trên, việc triển khai NSP ở Indonesia diễn ra sôi nổi hơn.

6. Sau gần 4 năm triển khai, Chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan đã tác động rõ rệt tới quan hệ Đài Loan - Đông Nam Á, cả tích cực lẫn tiêu cực. Tác động tích cực ở chỗ NSP đã bước đầu giúp các nước Đông Nam Á mở rộng được thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của họ ở vùng lãnh thổ này. Nhờ đó, thâm hụt mậu dịch của các nước đó đã giảm dần. Dưới  tác động của NSP, quan hệ giao lưu nhân dân giữa Đài Loan và các nước Đông Nam Á trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, NSP chưa tạo được lực đẩy đáng kể cho hợp tác đầu tư giữa Đài Loan và các nước Đông Nam Á. FDI  từ Đài Loan vào khu vực này không ổn định  và có khuynh hướng  đi xuống. Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Đài Loan và các nước Đông Nam Á, vốn ít phát triển, đã trở nên trầm lắng hơn.

7. Quan hệ Đài Loan - Việt Nam cũng có những phát triển mới dưới tác động của NSP. Thông qua các hoạt động hợp tác của Việt Nam với Đài Loan, đặc biệt là việc ký kết hiệp định đầu tư song phương với vùng lãnh thổ này, Việt Nam đã cho Đài Loan thấy rõ chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam. Điều này góp phần chứng minh tính đúng đắn của Đài Loan khi chọn Việt Nam là một trong những quốc gia ưu tiên của NSP và tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư Đài Loan đang hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam.

Những kết quả đạt được của đề tài có thể giúp các nhà nhà hoạch định xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học phù hợp với yêu cầu mới của đất nước. Giúp định vị được tầm quan trọng của nghiên cứu Đông Nam Á trong bối cảnh hiện nay ở nước ta.Các kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy.

 


Phòng QLKH và HTQT

Viện nghiên cứu Đông Nam Á


Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo