Nghiệm thu đề tài cấp Bộ: “Dịch chuyển lao động nông nghiệp Thái Lan, Malaixia và hàm ý cho Việt Nam”.

31/12/2020

Ngày 18/11/2020, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Dịch chuyển lao động nông nghiệp Thái Lan, Malaixia và hàm ý cho Việt Nam”. Đề tài do TS. Lê Phương Hòa làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại Khá.

Kết quả nghiên cứu chính của đề tài

Cũng như Việt Nam, Thái Lan và Malaixia là 2 quốc gia Đông Nam Á phát triển từ nông nghiệp. Mỗi quốc gia có đặc điểm phát triển riêng và do đó kết quả phát triển cũng không giống nhau. Việc nghiên cứu thực trạng và các nhân tố tác động đến dịch chuyển lao động nông nghiệp của hai quốc gia này giúp Việt Nam có cái nhìn so sánh, đối chiếu lên thực trạng dịch chuyển lao động nông nghiệp của mình, từ đó rút ra được những bài học hữu ích phù hợp với đặc điểm Việt Nam.

+ Thúc đẩy tăng trưởng và công bằng xã hội thông quadịch chuyển lao động nông nghiệp gắn chặt với đổi mới mô hình kinh tế.

+Thúc đấy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch lại cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với cân đối thị trường tiêu thụ trong nước đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản chất lượng cao

+ Điều tiết cung cầu lao động để tránh gây nên những vấn đề mất cân đối thị trường lao động

+ Đào tạo, nâng cao năng lực là biện pháp hữu hiệu và thiết thực để thúc đẩy quá trình dịch chuyển lao động theo hướng hiện đại

+ Phát huy lợi thế của bối cảnh hội nhập và công nghệ 4.0

+ Thu hẹp khoảng cách phát triển ngành và vùng thông qua dịch chuyển lao động nông nghiệp

Đề tài không chỉ có giá trị tham khảo nghiên cứu, giảng dạy mà còn có ý nghĩa thực tiễn về mặt chính sách với việc tham khảo bài học kinh nghiệm từ Malaixia và Thái Lan để có những điều chỉnh phù hợp với Việt Nam hiện nay trong:

Lựa chọn mô hình kinh tế: Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu với đặc trưng cơ bản là dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có dung lượng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế của đất nước, thực hiện đồng bộ hóa quá trình khai thác và chế biến sản phẩm.

Giáo dục đào tạo nghề và đào tạo nghề nông thôn cần tập trung vào chất lượng giáo dục, đào tạo nghề. Cần có khoanh vùng đánh giá nhu cầu thị trường để có đích đào tạo thích hợp. Cần có sự kết hợp giữa Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Bộ Nông nghiệp với sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ là định hướng lại lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với bối cảnh, từ đó xác định vai trò, vị trí của các yếu tố đầu vào sản xuất để phân bổ nguồn lực phù hợp.

Chính sách chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn liền với quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế, vì vậy cần phải đáp ứng các vấn đề mới phát sinh của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chuyển dịch cơ cấu lao động phải đảm bảo phù hợp với cơ cấu kinh tế không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng nguồn nhân lực. Công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp phải được quan tâm đặc biệt trong chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Dịch chuyển lao động nông nghiệp liên quan mật thiết tới di cư lao động nông thôn – đô thị. Việc quản lý lao động di cư theo hướng phát triển một thị trường lao động thống nhất, xóa bỏ các phân biệt giữa lao động đô thị và lao động nhập cư là điều kiện cơ bản và quyết định để lao động di cư hòa nhập vào đời sống xã hội nơi đến tại đô thị. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước đối với lao động di cư, cần có cơ quan đảm nhận trách nhiệm này để giải quyết kịp thời nhiều vấn đề nổi lên của lao động nhập cư.

Hỗ trợ các ngành phi nông nghiệp để thu hút lao động nông nghiệp, Từ các nước cho thấy, muốn chuyển dịch lao động nông nghiệp hiệu quả, chính sách các chính phủ đã áp dụng nhằm tạo thêm việc làm phi nông nghiệp và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

 


Phòng QLKH và HTQT

Viện nghiên cứu Đông Nam Á


Các tin đã đưa ngày: