Hội thảo Khoa học “Chính sách của Philippines đối với Mỹ và Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2024 và triển vọng”

12/08/2024

Trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ “Chính sách của Philippines đối với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh mới”, ngày 21/08/2024 Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Chính sách của Philippines đối với Mỹ và Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2024 và triển vọng”. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học đến từ một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội và một số viện nghiên cứu quốc tế của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

 

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Chủ nhiệm đề tài, chủ trì Hội thảo, đã khái quát bức tranh cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương hơn hai thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực trở nên khốc liệt hơn khi Tổng thống Trump lên cầm quyền, thực thi nhiều chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Cùng thời điểm, Tổng thống Duterte cũng lên cầm quyền ở Philippines, quốc gia có vị trí chiến lược trung tâm của Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, là đồng minh của Mỹ và là quốc gia có vai trò quan trọng trong vấn đề Biển Đông. Chính sách của Philippines đối với Trung Quốc và Mỹ khiến quan hệ Philippines - Mỹ, quan hệ Philippines - Trung Quốc có những biến chuyển đáng kể. Sự điều chỉnh chính sách của Philippines đối với Mỹ và Trung Quốc do vậy cũng tác động không nhỏ đối với Việt Nam. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học trao đổi thảo luận về Chính sách của Philippines đối với Mỹ và Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2024 và triển vọng.

 

Tại Hội thảo có năm tham luận được trình bày, trong đó tham luận đầu tiên thảo luận về Chiến lược phòng ngừa rủi ro của Philippines do TS. Vũ Vân Anh (Đại học KHXH&NV) trình bày. Theo TS. Vân Anh,  có ba cách tiếp cận chiến lược phòng ngừa rủi ro hiện nay: Chiến lược liên kết an ninh; chiến lược liên kết đa lĩnh vực; sự mập mờ chiến lược. “Vậy các quốc gia sẽ lựa chọn chiến lược như thế nào để phục vụ lợi ích của mình?” là câu hỏi được đặt ra. Tham luận đã phân tích cụ thể trường hợp của Philippines với sự lựa chọn chính sách thay đổi qua hai đời tổng thống gần đây.

 

Tham luận thứ hai của TS. Lộc Thị Thủy (Viện Nghiên cứu Châu Mỹ) có tiêu đề “Vai trò của Philippines trong cạnh tranh Mỹ- Trung ở Đông Nam Á”. Với cách tiếp cận theo lát cắt, tác giả đã cung cấp một cách khái quát vai trò của Philippines đối với Mỹ, với Trung Quốc và trong mối tương quan giữa hai cường quốc.

 

Tham luận thứ ba “Chính sách của Philippines đối với vấn đề Biển Đông” do PGS.TS. Dương Văn Huy, chuyên gia nghiên cứu hàng Đông Nam Á hải đảo trình bày. Bên cạnh việc phân tích chính sách của Philippines, tham luận cũng lưu ý các chính sách đều phải xuất phát từ lợi ích của từng nước tại từng thời điểm và không quốc gia nào chỉ chọn an ninh mà không quan tâm đến kinh tế hay các lợi ích khác. Đặc điểm của Philippines là dấu ấn của Tổng thống qua các nhiệm kỳ và sự lựa chọn nào cũng vì lợi ích tổng hợp của Philippines.

 

Tham luận thứ tư do TS. Đàm Huy Hoàng, chuyên gia nghiên cứu  các vấn đề chính trị đương đại trình bày, bàn về “Chính sách an ninh - quốc phòng của Philippines đối với Mỹ và Trung Quốc”. Với tham luận này, tác giả đã cung cấp thông tin và có những phân tích về chính sách an ninh - quốc phòng của Philippines với hai cường quốc đang cạnh tranh mạnh mẽ ở khu vực.

 

Tham luận cuối cùng của TS. Lê Phương Hòa “Quan hệ kinh tế của Philippines với Mỹ và Trung Quốc từ năm 2016 đến nay” đã cho thấy một bức tranh về mối quan hệ của Philippines với Mỹ và Trung Quốc trên phương diện kinh tế bao gồm thương mại và đầu tư.

 

Sau phần trình bày tham luận, dưới sự điều hành của chủ tọa các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề thực tiễn hiện nay liên quan đến các vấn đề về lý thuyết quan hệ của nó và cách áp dụng đối với trường hợp Philippines trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, vấn đề Biển Đông, các chiều cạnh chính sách của Philipines đối với Mỹ và Trung Quốc thời Tổng thống Duterte và Tổng thống Marcos cũng như triển vọng trong thời gian tới.

 

Tổng kết hội thảo, PGS.TS. Võ Xuân Vinh cảm ơn đánh giá cao chất lượng của các tham luận cũng như các ý kiến thảo luận chung; những ý kiến phát biểu tại Hội thảo sẽ là nguồn tài liệu quý để Đề tài tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện báo cáo trong thời gian tới./.


Phòng Hành chính - Tổng hợp

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á


Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo