Tình hình Biển Đông năm 2021 (Bài viết tuyên truyền về Biển Đảo)

05/08/2022

Năm 2021, tình hình Biển Đông diễn biến có xu hướng phức tạp hơn chủ yếu liên quan đến các hành động của Trung Quốc, cũng như sự gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn ở vùng biển này. Năm 2021 đánh dấu 5 năm phán quyết của Toà trọng tài quốc tế (PCA) về vụ kiện của Philippines đối với đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Đây cũng năm các nước lớn như Trung Quốc với Mỹ và đồng minh tiếp tục thực hiện các chính sách “ăn miếng trả miếng” ở Biển Đông, song các bên lại rất ít các biện pháp giảm nhiệt ở khu vực biển này. Trong khi đó, việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hầu như chưa có khởi sắc trong thời gian gần đây.

Có thể thấy rằng, trong năm 2021, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới. Cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN. Trong khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động của các quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS. Chẳng hạn như Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2/2021. Theo luật này, hải cảnh Trung Quốc được phép phá dỡ các cơ sở của nước ngoài được xây dựng trên các bãi đá ngầm và các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cũng như thiết lập vùng cấm để ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài. Điều này khiến cho quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ, không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực.[1]

Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hành động quân sự và dân sự nhằm gia tăng kiểm soát Biển Đông. Chẳng hạn như từ ngày 7-31/3/2021, hơn 200  tàu cá của Trung Quốc tập trung neo đậu tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc yêu cầu một số loại tàu nước ngoài khai báo khi đi vào vùng biển nước này tự nhận là “lãnh hải”, có thể áp dụng ở Biển Đông. Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết theo quy định có hiệu lực từ ngày 1/9/2021, các tàu thuyền nước ngoài đi vào cái gọi là “lãnh hải” Trung Quốc phải báo cáo thông tin về phương tiện và hàng hóa cho cơ quan quản lý hàng hải nước này. Yêu cầu khai báo được áp dụng với tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt, các chất độc hại và những tàu được coi là mối đe dọa với an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc. Hệ thống khai báo cho các tàu đã được Trung Quốc đưa vào Luật An toàn Giao thông Hàng hải được sửa đổi hồi tháng 4. Giới chức Trung Quốc cho biết thêm các tàu sẽ phải thông báo tên, số hiệu, vị trí và bất cứ loại “hàng hóa nguy hiểm” nào trên tàu. Nếu các tàu không khai báo theo yêu cầu, cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc sẽ áp dụng các điều luật, quy định, quy tắc và những điều khoản liên quan để xử lý.[2]

Mặt khác, trong năm 2021, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hành động gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2021, Trung Quốc đã tiến hành 20 cuộc tập trận hải quân có yếu tố liên quan đến chiếm đảo, vượt xa 13 cuộc tập trận tương tự được thực hiện trong năm 2020.[3] Tháng 9/2021, Trung Quốc tiến hành một số cuộc tập trận quy mô ở Biển Đông. Chẳng hạn như một video được Kênh Quốc phòng Trung Quốc đăng tải ngày 9/9 cho thấy, các tàu đổ bộ đệm khí và máy bay trực thăng của nước này đã tiến hành những bài tập trận đổ bộ lên một hòn đảo ở Biển Đông. Tuy nhiên, thời gian và địa điểm tiến hành cuộc tập trận không được tiết lộ.[4] Tiếp đến, một video được Kênh Quốc phòng Trung Quốc đăng tải hôm 13/9/2021 cho thấy, tàu Côn Lôn Sơn thuộc lớp tàu đổ bộ Type 071 trong biên chế hải quân nước này đã tiến hành bắn hạ các mục tiêu giả định nổi trên biển bằng đạn thật tại một địa điểm không xác định ở Biển Đông. Tàu Type 071 hiện là tàu vận tải đổ bộ nội địa lớn nhất của Trung Quốc.[5] Tháng 10/2021, các tiêm kích trong biên chế Không quân-Hải quân Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Tuy nhiên, thời gian và địa điểm diễn ra cuộc tập trận không được giới chức Trung Quốc hé lộ. Cuộc tập trận bắn đạn thật trên diễn ra trong bối cảnh tình hình trong khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là khi quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan thời gian gần đây khá căng thẳng.[6]

Ngày 6/11/2021, ba tàu hải cảnh của Trung Quốc đã chặn đường và xịt vòi rồng vào hai tàu tiếp tế của Philippines trên đường đi đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).  Manila lập tức yêu cầu các tàu của Trung Quốc quay lại và cảnh báo rằng tàu tiếp tế của họ tuân thủ theo hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết hai tàu của Philippines đã phải huỷ bỏ nhiệm vụ cung cấp lương thực cho các lực lượng Philippines đang chiếm giữ Bãi Cỏ Mây. Manila cho rằng “việc không thực hiện kiềm chế này đe doạ mối quan hệ đặc biệt giữa Philippines và Trung Quốc mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nuôi dưỡng.[7]

Đáp trả các hành động gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ và đồng mình cũng tích cực gia tăng hiện diện về mặt quân sự nhằm ngăn chặn các động thái cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 5/2/2021, tàu khu trục John S. McCain lần đầu tiên di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sau đó, ngày 9/2, nhóm tàu sân bay thứ hai USS Nimitz tiến vào Biển Đông tham gia tập trận. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa cùng lúc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông hoạt động kể từ tháng 7/2020. Đồng thời, các hoạt động quân sự của các quốc gia đồng minh của Mỹ cũng mạnh mẽ hơn ở khu vực biển trong năm 2021 nhằm ứng phó với nhân tố Trung Quốc.

Trong tháng 9/2021, Mỹ và đồng minh cũng tiến hành hàng loạt các hành động quân sự nhằm đáp trả những hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo  thông cáo của Hạm đội 7 Mỹ ngày 8/9/2021, “Tàu USS Benfold (DDG 65) đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hoạt động tự do hàng hải (FONOP) này duy trì các quyền, tự do và việc sử dụng hợp pháp biển. USS Benfold đã chứng minh rằng Đá Vành Khăn, nơi có độ cao thủy triều thấp trong trạng thái tự nhiên của nó, không được hưởng lãnh hải theo luật pháp quốc tế.”[8] Việc tàu chiến USS Benfold di chuyển trong khu vực 12 hải lý của đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc ngày 1/9/2021 bác bỏ quy định hàng hải mới được Trung Quốc đưa ra.[9] Trước đó, ngày 1/9/2021, Mỹ đưa ra tuyên bố dường như bác bỏ quy định an toàn hàng hải mới của Trung Quốc, gọi đó “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do hàng hải và thương mại. Theo như phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Supple trả lời các câu hỏi về sắc lệnh của Trung Quốc: “Mỹ vẫn kiên quyết rằng, bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế”. Ông John Supple nhấn mạnh thêm: “Các tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp, bao gồm cả ở Biển Đông, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp không bị cản trở, các quyền và lợi ích ở Biển Đông và của các quốc gia ven biển.”[10]

Tháng 10/2021, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ và tàu sân bay trực thăng JS Kaga của Nhật Bản diễn tập an ninh hàng hải tại Biển Đông. Các đơn vị hải quân của Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành các chuyến bay, huấn luyện phối hợp chiến thuật giữa các đơn vị trên mặt biển và trên không, tiếp nhiên liệu trên biển và tiến hành diễn tập tấn công hàng hải. Việc hợp tác hàng hải và hoạt động của tàu sân bay Mỹ trong khu vực Biển Đông là “một phần của sự hiện diện của hải quân nước này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.[11] Ngày 16/11/2021, Nhật Bản và Mỹ đã lần đầu tổ chức tập trận chống ngầm chung ở Biển Đông, nhưng không rõ địa điểm cụ thể. Theo Lực lượng Phòng vệ bờ biển của Nhật Bản (JMSDF), các tàu của nước này tham gia tập trận gồm tàu sân bay trực thăng JS Kaga (DDH-184), tàu khu trục JS Murasame (DD101) cùng một tàu ngầm lớp Oyashio. Phía Mỹ cử tàu khu trục USS Milius (DDG-69) tham dự. Theo Viện Hải quân Mỹ, đây là lần đầu tiên tàu ngầm Nhật tham gia diễn tập tác chiến chống ngầm với Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Góp mặt tại cuộc tập trận còn có trực thăng SH-60J, máy bay tuần thám P-1 của JMSDF cùng máy bay tuần thám P-8A của Hải quân Mỹ.[12]

Trong một diễn biến khác, Hải quân Mỹ ngày 15/11/2021 đã bắt đầu cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) lần thứ 27 với Brunei, được tiến hành theo cả hình thức trực tuyến lẫn trên thực địa tại Biển Đông. Theo Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cuộc tập trận tập trung vào toàn bộ năng lực hải quân, cũng như các nội dung thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và Brunei, hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo môi trường an ninh hàng hải Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.[13]

Trong khi diễn biến thực tế ở Biển Đông có chiều hướng phức tạp thì việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN cũng chưa mấy tiến triển. Trong bối cảnh ASEAN dường như vẫn chưa có những đột phá nào trong việc tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông, nhất là đàm phán COC với Trung Quốc thì Trung Quốc cũng phát ra tín hiệu cho việc tiếp tục đàm phán COC. Cụ thể, trong chuyến thăm Campuchia của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 12-13/09/2021, Trung Quốc cũng  ra tín hiệu về việc giải quyết vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có việc sẵn sàng đàm phán COC thậm chí là cố gắng dứt điểm tiến trình đàm phán này trong năm Campuchia đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN (2022). “Trung Quốc cũng hy vọng rằng nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Campuchia trong năm tới, Trung Quốc và các nước ASEAN có thể hoàn tất các cuộc đàm phán về COC”.[14]

Tuy nhiên, để tạo được đột phát trong việc đàm phán COC là điều không hề đơn giản bởi những khác biệt mang tính cốt lõi trong phạm vi nội dung COC như phạm vi áp dụng của COC, tính hiệu quả và thực chất của COC, cơ chế giải quyết tranh chấp, sự tham gia của các nước ngoài khu vực. Trung Quốc cũng đã nhiều lần tuyên bố mốc thời gian cho tiến trình đàm phán COC, chẳng hạn như năm 2018, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đạt được COC vào năm 2021.[15] Gần đây, Trung Quốc cũng tuyên bố muốn đạt được COC vào năm 2022.[16]  Mặc dù năm 2022 là năm kỷ niệm 20 năm ký DOC, có thể hai bên có những nhân nhượng nhất định để có thể đạt được tiến triển nào đó. Tuy nhiên, khả năng năm 2022, ASEAN và Trung Quốc khó có thể đạt được COC bởi diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian gần đây, trong đó có các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho tiến trình hợp tác thực hiện DOC và đàm phán COC.

                                                                                                 

 

[1]  VietnamNet (2021). Thứ trưởng Ngoại giao: Biển Đông vẫn tiềm ẩn 'mối lo ngại mới’. Báo điện tử Vietnamnet, 18/11/2021. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-truong-ngoai-giao-bien-dong-van-tiem-an-moi-lo-ngai-moi-794303.html, truy cập ngày 4/12/2021

[2] Vnexpress (2021). Trung Quốc có thể đòi tàu nước ngoài khai báo ở Biển Đông. Báo điện tử Vnexpress, 31/8/2021. https://vnexpress.net/trung-quoc-co-the-doi-tau-nuoc-ngoai-khai-bao-o-bien-dong-4348932.html, truy cập ngày 31/8/2021

[3] VietnamNet (2021). Trung Quốc tập trận đổ bộ trên Biển Đông. Báo điện tử Vietnamnet,10/09/2021. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/trung-quoc-tap-tran-do-bo-tren-bien-dong-773573.html, truy cập ngày 4/12/2021

[4] VietnamNet (2021). Trung Quốc tập trận đổ bộ trên Biển Đông. Báo điện tử Vietnamnet, 10/09/2021. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/trung-quoc-tap-tran-do-bo-tren-bien-dong-773573.html, truy cập ngày 4/12/2021

[5] VietnamNet (2021). Tàu đổ bộ Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông. Báo điện tử Vietnamnet, 15/09/2021. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/tau-do-bo-trung-quoc-dien-tap-ban-dan-that-o-bien-dong-774983.html, truy cập ngày 4/12/2021

[6] VietnamNet (2021). Tiêm kích Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Báo điện tử Vietnamnet, 13/10/2021. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/tiem-kich-trung-quoc-tap-tran-ban-dan-that-o-bien-dong-782528.html, truy cập ngày 4/12/2021

[7] Gomez (2021). China Coast Guard Uses Water Cannon Against Philippine Boats. The Diplomat, November 19, 2021. https://thediplomat.com/2021/11/china-coast-guard-uses-water-cannon-against-philippine-boats/, truy cập ngày 04/12/2021

[8] Navy.mil (2021). 7th Fleet Conducts Freedom of Navigation Operation. United States Navy, 08 September 2021. https://www.navy.mil/Press-Office/News-Stories/Article/2766828/7th-fleet-conducts-freedom-of-navigation-operation/, truy cập ngày 4/12/2021

[9] VietnamNet (2021). Tàu chiến Mỹ áp sát đá Vành Khăn. Báo điện tử Vietnamnet, 08/09/2021. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tau-chien-my-ap-sat-da-vanh-khan-773212.html, truy cập ngày 4/12/2021

[10] Jacob Fromer (2021). US says new Chinese rule that vessels register for South China Sea access threatens freedom of navigation. 2 September 2021. https://sg.news.yahoo.com/us-says-chinese-rule-vessels-190312383.html, truy cập ngày 4/12/2021

[11] VietnamNet (2021). Hình ảnh tàu sân bay Nhật và Mỹ tập trận ở Biển Đông. Báo điện tử Vietnamnet, 26/10/2021. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/hinh-anh-tau-san-bay-nhat-va-my-tap-tran-o-bien-dong-787079.html#inner-article, truy cập ngày 4/12/2021

[12] VietNamNet (2021). Chiến hạm Mỹ, Nhật diễn tập săn ngầm ở Biển Đông. Báo điện tử Vietnamnet, 04/12/2021. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/chien-ham-my-nhat-dien-tap-san-ngam-o-bien-dong-792895.html#inner-article, truy cập ngày 4/12/2021

[13] VietNamNet (2021). Chiến hạm Mỹ, Nhật diễn tập săn ngầm ở Biển Đông. Báo điện tử Vietnamnet, 04/12/2021. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/chien-ham-my-nhat-dien-tap-san-ngam-o-bien-dong-792895.html#inner-article, truy cập ngày 4/12/2021

[14] 外交部介绍王毅访问越南、柬埔寨有关情况, 2021年09月13日, https://news.sina.com.cn/o/2021-09-13/doc-iktzscyx3973976.shtml

[15] Vnexpress. 2018. Trung Quốc tính toán gì khi đưa thời hạn ba năm đàm phán Biển Đông? 29/11/2018. https://vnexpress.net/trung-quoc-tinh-toan-gi-khi-dua-thoi-han-ba-nam-dam-phan-bien-dong-3844793.html

[16] 外交部介绍王毅访问越南、柬埔寨有关情况, 2021年09月13日, https://news.sina.com.cn/o/2021-09-13/doc-iktzscyx3973976.shtml

 


Dương Văn Huy

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á


Các tin đã đưa ngày: