TỌA ĐÀM KHOA HỌC “NHIỆM KỲ CHỦ TỊCH ASEAN CỦA THÁI LAN VÀ VAI TRÒ CỦA ASEAN TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUỐC GIA VÀ KHU VỰC”

27/09/2019

Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động nghiên cứu, đối thoại và tham vấn kiến nghị chính sách về các vấn đề liên quan cho năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020, vào ngày 27 tháng 9 năm 2019,  Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sự quán Thái Lan tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Thái Lan và vai trò của ASEAN trong sự phát triển của quốc gia và khu vực”. Diễn giả chính tại Tọa đàm là ông Kavi Chongkittavorn, chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế (Đại học Chulalongkorn), chủ mục tờ Bangkok Post, Thái Lan.

Tham dự tọa đàm có nhiều đại biểu, gồm đại sứ, đại diện đại sứ quán các nước ASEAN, các nước đối tác của ASEAN tại Hà Nội, đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, và một số trường đại học tại Hà Nội. Tọa đàm còn có sự tham gia của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, các cựu Đại sứ từng có nhiều đóng góp trong quá trình tham gia ASEAN của Việt Nam và nhiều cán bộ nghiên cứu của Học viện.

Trong bài trình bày của mình, Ông Kavi Chongkittavorn cho biết, trong nhiệm kỳ Chủ tịch vừa rồi, Thái Lan đã đề ra “Tầm nhìn ASEAN 2040 trong khuôn khổ chiến lược ASEAN”. Đây là văn văn kiện cần hoàn chỉnh trong thời gian tới, và Việt Nam sẽ tích hợp tầm nhìn này với khuôn khổ còn tồn tại. Ví dụ, các nội dung của văn kiện liên quan tới hàng hải là nội dung mà ASEAN có thể hiện thực hóa ở tầm nhìn rất cao. Theo Ông, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Thái Lan đã đóng vai trò lớn để Hiệp hội ra được tuyên bố chung về Biển Đông hồi đầu tháng 8 vừa qua, sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52. Diễn giả hy vọng, Việt Nam, trên vai trò Chủ tịch ASEAN sắp tới, có thể thúc đẩy các tiến bộ liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, Diễn giả cũng nhấn mạnh rằng, cùng với Indonesia, Việt Nam có vị trí ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ là điều kiện thuận lợi để nâng cao uy tín của ASEAN. Về khó khăn, thách thức đối với Việt Nam khi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2020, Ông Kavi Chongkittavorn cho rằng, đó là sự cạnh tranh thương mại và toàn cầu hóa, cùng các điểm nóng ở Biển Đông.

Đáng chú ý, Diễn giả đến từ Đại học Chulalongkorn gợi ý 12 nhiệm vụ ưu tiên để Việt Nam triển khai thực hiện với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Mời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham dự các hội nghị thương đỉnh ASEAN liên quan tại Hà Nội và dự lễ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ; Tiếp tục hỗ trợ các chương trình, kế hoạch đã đề ra của ASEAN; Mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác đối thoại; Thúc đẩy bộ quy tắc chung về quản lý kết nối; Thực thi “Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”; Hỗ trợ ASEAN tham gia cạnh tranh đăng cai giải vô địch bóng đá thế giới vào năm 2034; Tạo ra bầu không khí thiện chí để hoàn thiện dự thảo COC; Ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hỗ trợ Bắc Triều Tiền hòa nhập với bên ngoài; Tăng cường gắn kết với với Liên minh châu Âu (EU) và Liên bang Nga; Kết nạp Timor Leste là thành viên thứ mười một của ASEAN; và Tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của ASEAN.

Tiếp đó, trong phần bình luận, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định vai trò của ASEAN trong sự phát triển của mỗi quốc gia thành viên và khu vực, đồng thời cho rằng, ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông nhấn mạnh, những thay đổi, thách thức toàn cầu như cửa sổ dịch chuyển của thế giới, đòi hỏi chúng ta phải tìm ra con đường. Cạnh tranh Thương mại Mỹ - Trung, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đa phương, tự do hóa thương mại đã tác động đến khu vực cũng như là cơ hội để ASEAN chung tay hướng tới, đóng góp tích cực nhiều hơn vào đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu.

Sau phần trình bày của các diễn giả là phần thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự hội thảo. Phần lớn các đại biểu đều thống nhất với quan điểm rằng ASEAN đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được kỳ vọng phát huy vai trò nòng cốt và dẫn dắt, tăng cường tính gắn kết và trách nhiệm trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp một cách thực chất vào sự phát triển chung của Cộng đồng ASEAN.


Học viện Ngoại giao


Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo