Mở đầu
Cộng hòa Liên bang Đức (Đức) là quốc gia có tầm quan trọng hàng đầu trong các nỗ lực tự do hóa và hội nhập nội khối của Liên minh châu Âu (EU). Nhờ các chiến lược và tầm nhìn của Đức, Hà Lan và Pháp và sự thúc đẩy của ba quốc gia thành viên này, EU đã ban hành Chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào ngày 16/9/2021. Các chiến lược/tầm nhìn của Đức, EU và các nước khác về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều dựa trên các nguyên tắc mang tính giá trị (values-based principles) trong bối cảnh khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Từ việc điểm qua các chiến lược/tầm nhìn của một số quốc gia và EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng đối với Đức, bài viết sẽ đưa ra một số kiến nghị thúc đẩy quan hệ Đức-ASEAN trong bối cảnh của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Từ khóa: Cộng hòa Liên bang Đức, ASEAN, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
-
Về các Tầm nhìn/Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của một số nước và Liên minh châu Âu
Sau khi Mỹ đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2017 và chiến lược này chính thức được thể chế hóa vào tháng 2/2022, nhiều quốc gia đã công bố các chiến lược/tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình dưới nhiều tên gọi khác nhau. Trước đó, vào tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Abe Shinzo đã công bố tầm nhìn của Nhật Bản về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở trong bài phát tại Hội nghị Quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) VI được tổ chức tại Kenya. Qua thời gian, Nhật Bản công bố nhiều phiên bản Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác nhau. Các Sách xanh Ngoại giao các năm 2017, 2018 và 2019 do Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố đều có tên là Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở.[1] Đặc biệt, vào tháng 3/2023, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đưa ra Kế hoạch mới cho một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở với tầm nhìn, giải pháp, nguyên tắc được đưa ra.[2]
Đối với Ấn Độ, vào tháng 6 năm 2018, Thủ tướng Narendra Modi lần đầu tiên nêu rõ “Tầm nhìn của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” trong bài phát biểu của ông tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.[3] Ngày 11/11/2022, Hàn Quốc chính thức công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, mở và thịnh vượng.[4] Đối với Úc, trong Sách trắng Ngoại giao năm 2017, nước này dành một nội dung nói về các Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó nói rõ phạm vi và mục tiêu chiến lược của nước này.[5]
Không chỉ các quốc gia châu Á, các quốc gia châu Âu cũng đã công bố các chiến lược/tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cụ thể của mình. Tháng 3/2021, Anh dưới thời Thủ tướng Boris Johnson đã công bố tài liệu Nước Anh toàn cầu trong thời đại cạnh tranh: Đánh giá tích hợp về an ninh, quốc phòng, phát triển và chính sách đối ngoại, phác thảo các mục tiêu cốt lõi về an ninh, quốc phòng và chính sách đối ngoại của chính phủ nước này trong thập kỷ tới, trong đó khẳng định tham gia sâu hơn của Anh vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ sự thịnh vượng chung và ổn định khu vực, với quan hệ ngoại giao và thương mại chặt chẽ hơn.[6]
Đối với Liên minh châu Âu và các nước thành viên, tháng 9/2020, Đức công bố Hướng dẫn chính sách cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tiếp đó, tháng 11/2020, Hà Lan ban hành tài liệu: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Hướng dẫn tăng cường hợp tác giữa Hà Lan và EU với các đối tác ở châu Á.[7] Tháng 4/2021, Pháp công bố Quan hệ đối tác của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.[8] Với sự thúc đẩy của ba quốc gia là Đức, Hà Lan và Pháp,[9] ngày 16/9/2021, Liên minh châu Âu (EU) ra Thông cáo chung gửi đến Nghị viện và Hội đồng châu Âu về Chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương[10] với ý định tăng cường hợp tác với khu vực để xây dựng quan hệ đối tác nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, giải quyết các thách thức toàn cầu và đặt nền tảng cho sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, công bằng và bền vững, tạo ra sự thịnh vượng lâu dài. Sau khi Chiến lược IP của EU ra đời, một số nước thành viên EU như Italia và Séc cũng đã công bố các chiến lược IP cụ thể củng cố thêm các mục tiêu và giá trị của chiến lược IP của EU. Ngày 20/1/2022, Italia công bố tài liệu Đóng góp của Italia cho Chiến lược IP của EU.[11] Tháng 10/2022, Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Cộng hòa Séc được ban hành.[12]
Nhìn chung, các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của các quốc gia vừa kể trên và EU về cơ bản theo đuổi các giá trị và mục tiêu cơ bản giống nhau như tự do, mở, trật tự dựa trên luật lệ, bao trùm và chủ nghĩa đa phương.[13]
-
Tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với Đức
Chiến lược An ninh quốc gia năm 2023 của Cộng hòa Liên bang Đức (Đức) nhìn nhận môi trường quốc tế và an ninh đang trở nên đa cực hơn, kém ổn định hơn và ngày càng được xác định bởi mối đe dọa hiện hữu do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra.[14] Trong Chiến lược này, Pháp là nước láng giềng có mối quan hệ chặt chẽ, dù lịch sử thù địch nhưng không thể tách rời.[15] Mối quan hệ chặt chẽ và quan hệ đối tác với Mỹ có nền tảng vững chắc trong liên minh xuyên Đại Tây Dương.[16] Nga hiện là mối đe dọa đáng kể nhất đối với hòa bình và an ninh ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.[17] Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh (competitor) và kẻ thủ (rival) có hệ thống.[18] Xét trên phạm vi toàn cầu, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn có ý nghĩa đặc biệt đối với Đức và châu Âu,[19] bởi “hình thái của trật tự quốc tế trong tương lai sẽ được quyết định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”[20] và “khu vực này đang trở thành chìa khóa định hình trật tự quốc tế trong thế kỷ 21”.[21]
Trước đó, vào tháng 8/2020, Đức ban hành Hướng dẫn Chính sách cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, “hướng dẫn chiến lược hướng tới tương lai nhằm định hình chính sách đối ngoại của Đức tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”,[22] khu vực bao gồm toàn bộ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.[23] Tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với Đức được thể hiện rõ ở những lợi ích (interests),[24] đồng thời có thể coi là những mục tiêu mà nước này theo đuổi:
Hòa bình và an ninh: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi có ba cường quốc hạt nhân là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan cũng như Triều Tiên với chương trình vũ khí hạt nhân. Khu vực này cũng bao gồm Mỹ và Nga với các bờ biển Thái Bình Dương, Pháp và Anh với các vùng lãnh thổ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài những căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự cạnh tranh công khai giữa các cường quốc, tranh chấp, xung đột nội bộ và xuyên biên giới âm ỉ với các dòng tị nạn, các mạng lưới khủng bố khu vực và quốc tế có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định toàn cầu và lợi ích của Đức ở khu vực.
Đa dạng hóa và làm sâu sắc thêm quan hệ: Đức đã có quan hệ hữu nghị với hầu hết các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như quan hệ đối tác chiến lược với một số quốc gia trong số đó. Chính phủ Liên bang sẽ tiếp tục đa dạng hóa quan hệ của mình cả về mặt địa lý và nội dung - nhằm tránh sự phụ thuộc đơn phương và tăng cường quan hệ với các nhân tố toàn cầu trong tương lai, bao gồm mở rộng hợp tác về thương mại, đầu tư và phát triển; tăng cường hợp tác chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục, hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh; thắt chặt quan hệ với các nền dân chủ và các đối tác có chung giá trị trong khu vực.
Không đơn cực cũng không lưỡng cực: Quyền bá chủ, cấu trúc lưỡng cực sẽ gây nguy hiểm cho cách tiếp cận các quan hệ đối tác được tăng cường và đa dạng hóa trong khu vực; không quốc gia nào bị buộc phải lựa chọn giữa hai bên hoặc rơi vào tình trạng phụ thuộc vào một bên.
Tuyến đường biển mở: Hơn 90% thương mại nước ngoài của thế giới được thực hiện bằng đường biển, phần lớn trong số đó thông qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Có tới 25% thương mại đường biển của thế giới đi qua Eo biển Malacca. Hơn 2000 tàu mỗi ngày vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông qua nút thắt này. Sự gián đoạn đối với các tuyến thương mại biển này (ảnh hưởng tới) chuỗi cung ứng đến và đi từ châu Âu, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sự thịnh vượng và nhu cầu của người dân Đức.
Thị trường mở và thương mại tự do: Thị phần của các quốc gia ở Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á, Úc và New Zealand trong thương mại hàng hóa của Đức đã tăng đều đặn và đạt hơn 20% hoặc dưới 420 tỷ euro vào năm 2019. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp của Đức vào khu vực này không tương xứng so với tổng đầu tư nước ngoài của Đức. Hàng triệu việc làm ở Đức phụ thuộc vào các mối quan hệ thương mại và đầu tư này. Đức có lợi ích thiết yếu đối với các thị trường mở trong khu vực nên Chính phủ Đức ủng hộ hệ thống thương mại đa phương với WTO là trung tâm, các hiệp định thương mại tự do toàn diện và bền vững trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cam kết EU sẽ ký kết các hiệp định này.
Chuyển đổi số và kết nối: Nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh của Đức, Chính phủ Liên bang ủng hộ việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số và các công nghệ then chốt. Các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là những đối tác hấp dẫn trong bối cảnh này trên nguyên tắc tạo điều kiện cho sự cạnh tranh công bằng, tránh tình trạng nợ quá mức ở các quốc gia tiếp nhận và đảm bảo tính minh bạch và bền vững.
Bảo vệ hành tinh: Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những thập kỷ gần đây đã giúp nhiều bộ phận dân số đạt được sự thịnh vượng to lớn nhưng lượng khí thải gia tăng đang tạo thêm gánh nặng cho cả khí hậu toàn cầu và hệ sinh thái của hành tinh. Vì lợi ích của các thế hệ tương lai, mục tiêu phải là đảm bảo rằng sự tăng trưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thân thiện với môi trường và tương thích về mặt xã hội.
Tiếp cận thông tin dựa trên thực tế: Truyền thông là một công cụ chính sách đối ngoại hiệu quả ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính phủ Liên bang đang chống lại sự lan truyền đáng kể của thông tin sai lệch trong khu vực bằng cách tăng cường tính khả dụng của thông tin dựa trên thực tế.
3. ASEAN trong Hướng dẫn Chính sách cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức
Trong Hướng dẫn Chính sách cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Hướng dẫn), Đức coi ASEAN là tổ chức khu vực có ảnh hưởng nhất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do vị trí trung tâm, ASEAN đóng vai trò quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực này. Đức rất quan tâm đến việc tăng cường năng lực hành động của ASEAN (vai trò trung tâm ASEAN) - cũng như vai trò quan trọng của ASEAN trong việc xây dựng lòng tin và hợp tác (với cấu trúc) đa phương vượt ra ngoài khu vực Đông Nam Á với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Úc và cùng nhiều quốc gia khác. Đức ủng hộ sự hợp tác giữa EU và ASEAN, với tư cách là các tổ chức khu vực, là đối tác tự nhiên.[25]
Với tầm quan trọng như vậy của ASEAN, Đức đã lên tiếng ủng hộ một số vấn đề quốc tế quan trọng. Trong vấn đề Biển Đông, “Chính phủ Liên bang ủng hộ một giải pháp hòa bình, dựa trên luật lệ và hợp tác, đặc biệt là dựa trên Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Phán quyết trọng tài ngày 12/7/2016, được ban hành theo các thủ tục giải quyết tranh chấp có trong Công ước, có tầm quan trọng thiết yếu đối với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông. Chính phủ Liên bang ủng hộ quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về mặt pháp lý và thực chất giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN đối với Biển Đông…Bộ quy tắc sẽ bao gồm một cơ chế giải quyết hòa bình các tranh chấp và các quy tắc về việc sử dụng chung các nguồn tài nguyên, với sự tham gia của các quốc gia là bên thứ ba, theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển”.[26]
Đức đã tham gia các cơ chế quan trọng, đồng thời có những nội dung hợp tác thực tế với ASEAN. Năm 2016, Đức trở thành Đối tác phát triển của ASEAN. Năm 2020, Đức gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á, khẳng định cam kết của nước này trong việc tuân thủ “bộ quy tắc ứng xử của ASEAN”, đặt cơ sở quan trọng cho sự tham gia của Đức vào cấu trúc an ninh khu vực[27] do ASEAN dẫn dắt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với việc tham gia TAC, Đức cam kết trở thành đối tác tích cực, kết nối và hỗ trợ cho ASEAN trong nỗ lực duy trì và phát triển một môi trường khu vực hòa bình và thịnh vượng thông qua việc sẵn sàng chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm của mình trong nhiều lĩnh vực, từ bảo mật và quản lý khủng hoảng đến công nghệ và kết nối.[28] Đức đang có các nỗ lực song phương cùng ASEAN và thông qua EU để củng cố cơ cấu của Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo về quản lý thảm họa (Trung tâm AHA) tại Jakarta, nơi đang đóng vai trò quan trọng cùng với các tổ chức của Liên hợp quốc trong việc hồi hương người Rohingya.[29]
4. Kiến nghị thúc đẩy quan hệ Đức-ASEAN trong bối cảnh của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Như đã đề cập ở trên, trong những năm qua, quan hệ Đức-ASEAN đã có những bước phát triển đáng kể từ góc độ song phương Đức-ASEAN và trong khuôn khổ của quan hệ EU-ASEAN. EU có chính sách đối ngoại và an ninh chung. Tuy nhiên, trong chính sách đối ngoại chung của khối, các nước thành viên có sự độc lập tương đối lớn trong chính sách đối ngoại và an ninh miễn là không đi ngược lại với các nguyên tắc của khối. Đối với Đức, việc lồng ghép cách tiếp cận của nước này về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh châu Âu sẽ giúp nước này thành công hơn như việc ủng hộ mở rộng sự tham gia của châu Âu vào khu vực, góp phần vào chiến lược tương lai của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.[30] Với việc Cộng hòa Liên bang Đức đánh giá cao vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nước này cân nhắc hướng tới những hợp tác cụ thể như sau:
Về chính trị-an ninh:
Ngoài việc EU can dự ngày càng mạnh vào khu vực thì Đức với tư cách là một trong những thành viên dẫn dắt của EU cũng cần thúc đẩy và làm sâu sắc thêm các cam kết của mình ở khu vực, đặc biệt là với ASEAN. Đức cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nâng cấp từ Đối tác phát triển thành Đối tác đối thoại (Dialogue Partner), vị trí mà Anh (một nước châu Âu vừa rời khỏi EU) đã có được vào tháng 8/2021. Quan hệ đối tác đối thoại EU-ASEAN dù được nâng lên tầm quan hệ chiến lược nhưng hiếm khi các hội nghị cấp cao ASEAN-EU (ASEAN-EU Summit) được tổ chức. Do vậy, một số nước thành viên EU có cam kết mạnh mẽ với khu vực như Pháp, Đức có thể thúc đẩy hiện thực hóa sớm quan hệ đối tác đối thoại với ASEAN (điều mà Đức đang đặt mục tiêu[31]), từ đó nâng cấp thành các Hội nghị cấp cao (Summit) với ASEAN. Với việc coi trọng vai trò quan trọng của ASEAN ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Đức cũng cần được tính tới.
EU đã nộp đơn xin vai trò quan sát viên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Đức cũng đang cân nhắc nộp đơn xin tư cách quan sát viên của cơ chế này để hỗ trợ EU trong các sáng kiến của châu Âu.[32] Khi chủ trương mở rộng ADMM+ được thông qua, việc EU và Đức trở thành viên của cơ chế do ASEAN dẫn dắt này dường như sẽ ít gặp khó khăn. Ở khu vực, một cơ chế an ninh khác có phạm vi rộng lớn hơn là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), diễn đàn mà Đức coi là hội nghị an ninh lớn nhất và toàn diện nhất ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.[33] Thay vì chỉ hỗ trợ công việc của EU trong ARF thông qua các đóng góp và chuyên môn về chính sách an ninh, [34] Đức cân nhắc tham gia ARF với tư cách là một bên như Anh đang thúc đẩy[35] để thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn vừa với tư cách là quốc gia thành viên, vừa với tư cách là thành viên của EU trong ARF.
Ở một cơ chế quan trọng khác là Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), cơ chế mà Đức coi là “trọng tâm của kiến trúc an ninh xuyên khu vực được xây dựng xung quanh ASEAN”, là “hội nghị thượng đỉnh duy nhất ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quy tụ các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Úc và New Zealand”,[36] nước này mới chỉ đặt mục tiêu “nỗ lực tạo ra vai trò tích cực hơn cho EU trong diễn đàn chính sách an ninh này và các diễn đàn khác trong khu vực”.[37] Tuy nhiên, việc can dự vào khu vực chỉ thực sự được toàn diện và sâu sắc khi Đức trở thành thành viên của các cơ chế chính trị-an ninh do ASEAN dẫn dắt là ARF, ADMM+ và EAS. Nói cách khác, thay vì chỉ dừng lại ở cấp độ thúc đẩy vai trò của EU trong EAS, Đức cần cân nhắc trở thành thành viên chính thức của cơ chế này
Về kinh tế:
Đông Nam Á và ASEAN đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với EU nói chung và Đức nói riêng[38] trong lĩnh vực kinh tế nên Đức nỗ lực tăng cường hợp tác với khu vực trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, các nỗ lực thúc đẩy hợp tác của Đức với ASEAN nói chung và EU nói riêng chủ yếu vẫn ở trong khuôn khổ của EU, cụ thể, năm 2019, EU ký hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á với Singapore. Năm 2020, EU cũng đã ký FTA với Việt Nam. Hiện tại, EU đang đàm phán xây dựng các FTA với Indonesia, tìm cách nối lại đàm phán với Thái Lan và Malaysia. Trong tương lai, EU dự định tiếp tục đàm phán FTA với Philippines. Đức tinh rằng về lâu dài, mạng lưới các FTA này sẽ là cơ sở cho một thỏa thuận FTA liên khu vực giữa EU và ASEAN.[39] Trên thực tế, Đức đã và đang có các nỗ lực thúc đẩy các mục tiêu này.[40]
Với vai trò dẫn dắt các thành viên EU khác trong quá trình đàm phán xây dựng các FTA này,[41] quyết tâm của Đức có tầm ảnh hưởng lớn đến viêc hiện thực hóa các thỏa thuận thương mại kể trên. Tuy nhiên, quá trình tự do hóa thương mại giữa EU và ASEAN có thể gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về lợi ích và cách tiếp cận của nhiều thành viên EU. Do vậy, Đức có thể cân nhắc chuyển hướng đàm phán FTA song phương với ASEAN nếu tiến trình này vừa đảm bảo lợi ích cho ASEAN, Đức và không vi phạm các nguyên tắc hội nhập kinh tế của EU.
Về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường:
Đức là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới hiện nay trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) là chương trình tài trợ của Chính phủ Đức nhằm hỗ trợ các nước mới nổi và đang phát triển trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Từ năm 2008, IKI đã hỗ trợ hơn 1.000 dự án về khí hậu và đa dạng sinh học tại khoảng 150 quốc gia đối tác với tổng số tiền gần 7 tỷ Euro.[42] Ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong thời gian gần đây IKI tiến hành các quy trình lựa chọn dự án cụ thể theo quốc gia, mỗi dự án trị giá từ 30 đến 35 triệu Euro với năm quốc gia ưu tiên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam với trọng tâm là thực hiện các kế hoạch hành động về khí hậu cho các quốc gia này”.[43]
Với mục tiêu tăng cường hồ sơ chính sách khí hậu trong hợp tác với ASEAN thông qua các dự án trong các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, rác thải biển, khả năng phục hồi khí hậu đô thị và giao thông đô thị bền vững; mở rộng hợp tác phát triển với ASEAN nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực và đào tạo nghề, cũng như trong các lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu,[44] để các mục tiêu này được triển khai hiệu quả hơn, Đức cần cân nhắc hỗ trợ ASEAN thông qua các kế hoạch/tầm nhìn cụ thể của ASEAN như Kế hoạch Hành động chiến lược biến đổi khí hậu ASEAN (ACCSAP) 2025-2030 hay Tầm nhìn Khí hậu ASEAN 2050.
Kết luận
Như vậy, kể từ khi Đức công bố Hướng dẫn Chính sách cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (8/2020) và Liên minh châu Âu (EU) ban hành Chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (9/2021), Đức với tư cách là quốc gia độc lập và với tư cách là thành viên của EU đã có những nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, ASEAN nói riêng. Về cơ bản, Đức và EU chia sẻ các mục tiêu tầm nhìn về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với hầu hết các quốc gia có tầm nhìn/chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như tự do, mở, bao trùm, trật tự dựa trên luật lệ, vai trò trung tâm của ASEAN. Trong những năm tới, để can dự sâu rộng hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngoài việc đóng vai trò dẫn dắt trong các nỗ lực của EU ở khu vực, Đức cần cân nhắc việc chủ động tham gia với tư cách là thành viên của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1 (Đối tác Đối thoại của ASEAN và Hội nghị cấp cao song phương giữa ASEAN và các đối tác đối thoại), ARF, ADMM+ và EAS. Nếu quá trình tự do hóa và hội nhập kinh tế giữa EU và ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, Đức có thể chủ động tiến trình đàm phán FTA song phương với ASEAN. Đức cũng có thể chủ động hỗ trợ các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường của ASEAN thông qua các kế hoạch/tầm nhìn của ASEAN như Kế hoạch Hành động chiến lược biến đổi khí hậu ASEAN (ACCSAP) 2025-2030 hay Tầm nhìn Khí hậu ASEAN 2050.
Tài liệu tham khảo
Australian Government. 201. 2017 Foreign Policy White Paper, https://www.dfat.gov.au/sites/default/files/minisite/static/4ca0813c-585e-4fe1-86eb-de665e65001a/fpwhitepaper/foreign-policy-white-paper/overview.html
Cabinet Office. 2021. Global Britain in a Competitive Age: the Integrated Review of Security, Defence, Development and Foreign Policy, Updated 2 July, https://www.gov.uk/government/publications/global-britain-in-a-competitive-age-the-integrated-review-of-security-defence-development-and-foreign-policy
Chhengpor Aun. 2024. Germany walks the talk on Southeast Asia, East Asia Forum, 15 April, https://eastasiaforum.org/2024/04/15/germany-walks-the-talk-on-southeast-asia/
Deutsche Vertretungen in Vietnam. 2019. Signing the Treaty of Amity and Cooperation: Germany and ASEAN strengthen ties, https://vietnam.diplo.de/vn-de/willkommen/aktuelles/-/2262242
Euroupean Commmission and High Representative of the Union for Foreign Affrais and Security Policy. 2021. Joint Communication to the European Parliament and the Council: The EU strategy for cooperation in the Indo-Pacific, Brussels, 16/11,
Government of the Netherlands. 2020. Indo-Pacific: Guidelines for strengthening Dutch and EU cooperation with partners in Asia, 13-11, https://www.government.nl/documents/publications/2020/11/13/indo-pacific-guidelines
HM Government. 2023. Integrated Review Refresh 2023 Responding to a more contested and volatile world, March.
IKI, IKI Projects worldwide, https://www.international-climate-initiative.com/en/
Ministère de l'Europe et des Affaires étrangères. 2021. France’s Partnerships in the Indo-Pacific, April, https://www.diplomatie.gouv.fr/IMG/pdf/en_a4_indopacifique_16p_2021_v4_cle4b8b46.pdf
Ministero degli Affari Esteri d della Cooprazione Internazionale. 2022. The Italian Contribution to the EU Strategy of the Indo-Pacific, Rome, January 20, https://www.esteri.it/wp-content/uploads/2022/02/THE_ITALIAN_CONTRIBUTION_TO_THE_EU_STRATEGY_FOR_THE_INDO_PACIFIC.pdf
Ministry of External Affairs. 2018. Prime Minister’s Keynote Address at Shangri La Dialogue, June 01, https://www.mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/29943/Prime+Ministers+Keynote+Address+at+Shangri+La+Dialogue+June+01+2018
Ministry of Foreign Affairs of the Czech Republic. 2022. The Czech Republic's Strategy For Cooperation With The Indo-Pacific: Closer Than We Think, October, https://mzv.gov.cz/file/4922486/CZ_Strategy_Indo_Pacific_2022.pdf
Ministry of Foreign Affairs. 2022. Introducing the Indo-Pacific Strategy, November 11, https://www.mofa.go.kr/eng/wpge/m_26382/contents.do
Ministry of Foreign Affairs. 2023. New Plan for a “Free and Open Indo-Pacific (FOIP)”, March https://www.mofa.go.jp/files/100477660.pdf
Rajeev Jayaswal and Rezaul H Laskar. 2024. Germany pushes to boost ties amid delay in EU FTA, Hindustan Times, October 31, https://www.hindustantimes.com/india-news/germany-pushes-to-boost-ties-amid-delay-in-eu-fta-101730312822058.html
The Federal Government. 2020. Policy guidelines for the Indo-Pacific, Berlin, August.
The Federal Government. 2020. Tlđd, pp.11-12.
The Federal Government. 2023. “Robust. Resilient. Sustainable. Integrated Security for Germany: National Security Strategy”, Berlin, June, p.22.
Ministry of Foreign Affairs of Japan. 2024. Free and Open Indo-Pacific, October 16, https://www.mofa.go.jp/policy/page25e_000278.html
[9] Ministère de l'Europe et des Affaires étrangères, Tlđd, p.10.
[10] Euroupean Commmission and High Representative of the Union for Foreign Affrais and Security Policy. 2021. Joint Communication to the European Parliament and the Council: The EU strategy for cooperation in the Indo-Pacific, Brussels, 16/11,
[13] Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, chủ nghĩa đa phương và tính bao trùm của hợp tác quốc tế bị hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thóng Biden, trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ năm 2022, chủ nghĩa đa phương và tính bao trùm tiếp tục được khẳng định.
[14] The Federal Government. 2023. “Robust. Resilient. Sustainable. Integrated Security for Germany: National Security Strategy”, Berlin, June, p.22.
[15] The Federal Government. 2023. Tlđd, p.11.
[16] The Federal Government. 2023. Tlđd, p.11.
[17] The Federal Government. 2023. Tlđd, p.22.
[18] The Federal Government. 2023. Tlđd, p.23.
[19] The Federal Government. 2023. Tlđd, p.23.
[20] The Federal Government. 2020. Policy guidelines for the Indo-Pacific, Berlin, August, p.2..
[21] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.8..
[22] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.3.
[23] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.8.
[24] The Federal Government. 2020. Tlđd, pp.11-12.
[25] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.24.
[26] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.35.
[27] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.25.
[29] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.37.
[30] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.3.
[31] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.13.
[32] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.25.
[33] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.25.
[34] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.25.
[35] HM Government. 2023. Integrated Review Refresh 2023 Responding to a more contested and volatile world, March, p.23.
[36] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.25.
[37] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.25.
[38] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.48.
[39] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.48.
[43] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.32.
[44] The Federal Government. 2020. Tlđd, p.13.
PGS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á