THI PHÁP TIỂU THUYẾT SỬ THI “TIỂU ĐOÀN HAI” CỦA NHÀ VĂN LÀO SUVĂTHON BUPPHANUVÔNG

09/10/2013

THI PHÁP TIỂU THUYẾT SỬ THI “TIỂU ĐOÀN HAI” CỦA NHÀ VĂN LÀO SUVĂTHON BUPPHANUVÔNG

Lê Hòa[1]

             

Trong lịch sử văn học thế giới, tiểu thuyết sử thi đã ra đời và phát triển mạnh từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX với nhiều thành tựu. Ở Liên Xô cũ, có những mẫu mực xuất sắc của thể loại như, Sông Đông êm đềm của Sôlôkhốp, Chiến tranh và hòa bình của L. Tônxtôi, Con đường đau khổ của Alêcxây Tônxtôi, Cuộc đời Klim Xamghin của M. Gorki… Ở Pháp có Tan vỡ (Sụp đổ) của E. Zola, Những người cộng sản của L. Aragon ... Ở Việt Nam, hướng phát triển tiểu thuyết theo chiều rộng, mang cảm hứng dân tộc – lịch sử được bộc lộ trong sáng tác của một số nhà văn như Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi … vào những năm 60 của thế kỷ XX. Bộ Cửa biển của Nguyên Hồng và Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi là hai bộ tiểu thuyết có quy mô tương đối lớn của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại mang nhiều tính chất sử thi. Ở Lào, phong cách sử thi được thể hiện rõ nét trong nhiều bộ tiểu thuyết của nhà văn Suvănthon Bupphanuvông. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu thi pháp tiểu thuyết sử thi “Tiểu đoàn Hai” - bộ tiểu thuyết lớn nhất của Suvănthon Bupphanuvông, đồng thời cũng là bộ tiểu thuyết dài nhất của nền văn học Lào. Tác phẩm gồm 4 tập, dày hơn 800 trang, lần lượt xuất bản trong 8 năm (Nxb Quốc gia Lào 1975 – 1983).

            Hêghen gọi tiểu thuyết là anh hùng ca của thời đại tư sản, với ý nghĩa tiểu thuyết là thể loại có khả năng lớn nhất để xây dựng những bức tranh đa dạng, toàn diện về thực tại, tương tự như sử thi cổ đại đã làm. Điều này hoàn toàn đúng với thể loại tiểu thuyết sử thi.  

Tiểu thuyết sử thi có tên gọi quốc tế là roman – épopéc (Tiếng Pháp). Trong tiếng Việt, nó còn có tên gọi là tiểu thuyết anh hùng ca, anh hùng ca, sử thi. Có nhiều định nghĩa khác nhau về tiểu thuyết sử thi, song tựu chung lại, có thể khái quát như sau: Tiểu thuyết sử thi là những tác phẩm có tầm vóc và quy mô lớn, miêu tả những biến cố lớn, những bước ngoặt có tính chất quyết định đối với đời sống nhân dân, đường hướng vận động của lịch sử, bản chất của một cơ cấu xã hội, nhịp độ phát triển và số phận của dân tộc qua sự bao quát rộng rãi hiện tượng, đồng thời thâm nhập sâu sắc vào thế giới tinh thần của thời đại. Tác phẩm có khả năng nêu lên những vấn đề, những giá trị lớn lao, quan trọng về triết học, đạo đức, thẩm mỹ. Nhân vật trong tiểu thuyết có tính cách hào phóng, cứng cỏi, hoang dã, oai phong, tuấn tú, kỳ dị, thâm trầm …thể hiện một nét đặc sắc chung, đó chính là sự tiếp bước phong khí thời đại, phác họa sức mạnh tự giác và cổ vũ lòng người, thôi thúc con người phấn chấn hiên ngang trong sự hăng hái của linh hồn dân tộc. Sự thống nhất giữa chiều sâu của lịch sử với sức mạnh của thời đại đã tạo thành phong cách nam nhi hảo hán trong tác phẩm. Những nhận thức về đặc điểm thể loại này chính là những cơ sở lý luận để chúng tôi tìm hiểu thi pháp tiểu thuyết sử thi Tiểu đoàn Hai.  

Tiểu thuyết là một thể loại còn uyển chuyển, mềm dẻo và dường như không bị đóng khung trong những quy phạm trật hẹp như một số thể loại khác. M.Bakhtin cho rằng, tiểu thuyết “tự bản thân nó vốn không có tính quy phạm. Đó chính là hiện thân của sự uyển chuyển. Đó là một thể loại luôn luôn đi tìm, luôn luôn nghiên cứu bản thân và luôn luôn soát lại tất cả những hình thức đã thành hình của mình”(1). Vì vậy không có một khái niệm thi pháp thống nhất cho các loại hình tiểu thuyết. Căn cứ vào một số định nghĩa Thi pháp học[2], có thể hiểu, thi pháp tiểu thuyết (cũng như các loại hình nghệ thuật ngôn từ khác) là những nét đặc sắc cơ bản hình thành dần trong thực tiễn sáng tác của các tác giả và được thể hiện trong sự thống nhất hữu cơ giữa hình thức và nội dung của tác phẩm. Các vấn đề trong cấu trúc ngôn từ của tác phẩm như: cốt truyện, nhân vật, thời gian và không gian… đều là những mặt quan trọng để thể hiện thi pháp tiểu thuyết. Thi pháp tiểu thuyết sử thi “Tiểu đoàn hai”  của nhà văn Suvănthon được biểu hiện trên ba phương diện cơ bản: Kết cấu cốt truyện, nghệ thuật “sử thi hóa nhân vât” và nghệ thuật “sử thi hóa thời gian, không gian”.

  1. Kết cấu cốt truyện

Phan Đăng Nhật cho rằng: “có ba hệ đề tài phổ biến của sử thi là chiến tranh, lao động và hôn nhân, trong đó chiến tranh là đề tài trung tâm và chi phối các đề tài còn lại. Đó là bản chất thẩm mỹ của thể loại sử thi” (2).

Trong nền tiểu thuyết hiện đại Lào, Suvănthon Bupphanuvông và Khămliêng Phônsểna - Tác giả của hai cuốn tiểu thuyết Sỉ nọi  Tình yêu, là người đặt nền móng cho sự ra đời của thể loại tiểu thuyết ở Lào - có thể xem là hai phong cách trái ngược nhau. Nếu như nét nổi bật trong phong cách của Khămliêng Phônsểna là thiên về miêu tả tính cách, ít miêu tả biến cố, sự kiện lịch sử. Và, trong tác phẩm của ông, sự kiện chỉ là bối cảnh lịch sử xã hội của tính cách điển hình; nét nổi bật trong phong cách của Suvănthon là thiên về miêu tả sự kiện. Trong tiểu thuyết của ông, tất cả các sự kiện lớn quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Lào được phản ánh khá sâu sắc và chân thực. Cùng một lúc, Suvănthon đã làm được cả hai nhiệm vụ: vừa bám chắc vào các sự kiện lịch sử lại vừa khái quát lịch sử của một thời đại, nghĩa là vừa khái quát cuộc đấu tranh cách mạng Lào bằng nghệ thuật, bằng hình tượng nghệ thuật vừa ghi lại những nét sinh động nhất, cụ thể nhất của các sự kiện lịch sử diễn ra trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Do đó nhà văn được xem là “người thư ký trung thành của thời đại”, là nhà viết “biên niên sử” Lào bằng hình tượng nghệ thuật. Các tiểu thuyết của Suvănthon đều phản ánh trung thực, cụ thể sinh động các bước ngoặt lịch sử lớn, quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân Lào. Tiểu thuyết Tiểu đoàn Hai viết về đề tài chiến tranh, về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Lào diễn ra trong khoảng thời gian từ cuộc hòa hợp dân tộc lần thứ nhất (1957 – 1958) đến lần thứ hai (1962 – 1964), tác giả tập trung khai thác một sự kiện lịch sử xảy ra vào giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, đó là cuộc rút quân thắng lợi của Tiểu đoàn Hai Pathét Lào ra khỏi vòng vây của địch đông gấp năm sáu lần ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng về căn cứ địa cách mạng, nổ phát súng báo hiệu cho toàn dân tộc biết cuộc chiến đấu mới.

Từ một sự kiện lịch sử xảy ra vào thời điểm những năm 60 của thế kỷ XX ở Lào, sự kiện làm rung động lòng người “Tiểu đoàn Hai Pathet Lào vượt vòng vây địch thắng lợi”, tác giả đã kết nối hàng loạt các biến cố dồn dập xảy ra trong quá trình triển khai cốt truyện: Các lãnh tụ Neo Lào hắc xạt tham gia chính phủ hòa hợp, rồi bị bắt, rồi vượt ngục thành công, Tiểu đoàn Hai bị bao vây, rồi vượt vòng vây thành công, đảo chính của lực lượng trung lập, liên minh chiến đấu giữa Pathet Lào và lực lượng trung lập ở Viêng Chăn … Mỗi sự kiện biến cố sau bao giờ cũng có quy mô lớn hơn, mức độ ác liệt hơn. Những sự kiện đó không chỉ là những sự kiện biến cố lịch sử lớn, trọng đại của một dân tộc mà đồng thời, nó còn ảnh hưởng và có tác động đến vận mệnh của các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á. Việc tái hiện một dung lượng lớn các sự kiện biến cố lịch sử của một chặng đường đấu tranh cách mạng đầy mất mát hi sinh nhưng vô cùng oanh liệt vẻ vang, nhà văn đã bộc lộ rõ cảm hứng lịch sử, một trong những cảm hứng chủ đạo của sử thi. Nếu như L.Tônxtôi đã đến Bôrôđinô nghiên cứu trận địa nơi xảy ra trận đánh nổi tiếng giữa quân đội Nga và quân Pháp năm 1812 thì Suvănthon cũng từ kinh nghiệm đó, trực tiếp đi đến những nơi Tiểu đoàn Hai đã đóng quân, hành quân và đánh trả các đơn vị lính phái hữu, tay sai Mỹ để có thể miêu tả được chính xác cụ thể, sinh động hơn các diễn biến các sự kiện, đồng thời để khơi dậy cảm hứng lịch sử.

Để tái hiện bức tranh hiện thực rộng lớn với khối lượng sự kiện khổng lồ, tác giả đã đưa vào tác phẩm một khối lượng đông đảo nhân vật hoạt động trong nhiều địa điểm, nhiều môi trường khác nhau và nhằm hướng đến những mục đích khác nhau xét từ động cơ bên trong; có nhiều mảng sống được tái hiện bên cạnh nhau, không trực tiếp giao cắt nhau xét từ quan hệ nhân quả. Đó cũng chính là biểu hiện của cảm hứng nhân dân trong sử thi. Bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ của thế giới – Chiến tranh và hòa bình của L.Tônxtôi miêu tả gần hai nghìn nhân vật, trong đó có một lực lượng đông đảo nhân dân tham gia vào tiến trình lịch sử, bởi vì chính nhân dân là động lực thúc đẩy sự phát triển của lịch sử, nhân dân là người làm chủ và xây dựng nên lịch sử của nhân loại. Trong tiểu thuyết Tiểu đoàn Hai, ngoài tuyến nhân vật chính là cán bộ và chiến sĩ tiểu đoàn Hai gồm các sĩ quan chỉ huy từng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và các sĩ quan trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, còn có tuyến nhân vật tay sai Mỹ, tuyến lực lượng trung lập, tuyến nhân vật lịch sử, tuyến những người dân có cảm tình với cách mạng ...

Với kết cấu đa tuyến, tác phẩm cùng một lúc thể hiện nhiều chủ đề. Mỗi một tuyến hành động, một lớp nhân vật, một mạch truyện thường có một chủ đề đặc trưng, quán xuyến và mang một sắc thái thẩm mỹ nổi bật. Nếu tuyến nhân vật chính diện thể hiện chủ đề tình yêu nước và lòng căm thù giặc thì tuyến nhân vật phản diện lại thể hiện chủ đề tội ác chiên tranh... Cũng từ đó, tác phẩm luôn có sự tồn tại và đan xen hai mảng cốt truyện: cốt truyện về số phận và cốt truyện về lịch sử. Hai mảng chất liệu này bổ sung cho nhau, soi sáng lẫn nhau, phát huy đến tối đa biên độ giao động rộng lớn của dung lương tiểu thuyết, thể hiện tính độc đáo trong sự đánh giá con người qua xã hội và xã hội qua con người.

Có thể nói, cơ sở tiểu thuyết của Suvănthon là yếu tố lịch sử, chủ yếu bắt nguồn từ hiện thực cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân các bộ tộc Lào. Sự kiện là nguồn chất liệu chủ yếu để xây dựng và phát triển cốt truyện. Một nguyên tắc thẩm mỹ được Suvăthon sử dụng có tính chất nhất quán trong sáng tác của ông là sự miêu tả kết hợp giữa các tính cách nhân vật với lịch sử, kết hợp hình tượng điển hình với bức tranh toàn cảnh của thời đại, do đó, những nhân vật trung tâm thường mang phong cách của người anh hùng thời đại.

  1. Nghệ thuật “sử thi hóa nhân vật”

 "Nhân vật sử thi là kiểu nhân vật đặc biệt trong văn học dân gian ở quá trình thứ nhất trong tiến trình folklore, là nhân vật tự sự”(3), là những hình tượng anh hùng vĩ đại, mang nhiều phẩm chất cao đẹp của cộng đồng và đạt được những chiến công kỳ vĩ, đem lại uy danh, sự giàu có cho cộng đồng. Có được đặc điểm này bởi người xưa quan niệm, Sử thi là thể loại cao quý để tái hiện những con người đáng kính trọng. Bêlinxki nói: “Nhân vật của anh hùng ca phải là người đại diện xứng đáng của tinh thần dân tộc”(4). Nhân vật chính của sử thi bao giờ cũng xuất thân từ thành phần cao quý của xã hội. Trong sử thi cổ đại, thành phần cao quý là những người thuộc giai tầng xã hội cao, nhưng đến thời đại cách mạng vô sản, nhân vật anh hùng lý tưởng thường xuất thân từ tầng lớp công nông binh. Các nhà vô sản quan niệm: Tầng lớp công nông binh là tầng lớp tiên tiến nhất của thời đại có sứ mệnh lật đổ chế độ phong kiến tư sản để thiết lập nên chế độ do dân nghèo làm chủ. Họ hăng hái chiến đấu với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự chiến thắng tất yếu của mình cũng giống như các anh hùng sử thi cổ đại. Hình tượng nhân vật Khăm Mặn trong tiểu thuyết sử thi Tiểu đoàn Hai được Suvănthon xây dựng trên tinh thần sử thi ấy và trở thành một đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Trước hết, bằng việc miêu tả khá kĩ về ngoại hình và lai lịch của nhân vật: “Khăm Mặn năm nay hai mươi mốt tuổi, người to cao, khỏe mạnh, hoạt bát, mặt hơi vuông, tóc cứng như rễ tre, ngực nở, mắt sáng”(5). Gia đình Khăm Mặn có truyền thống yêu nước. Ông nội anh tham gia quân đội của Kom Ma Đăm và bị Pháp giết chết. Cha Khăm Mặn tham gia bộ đội Itsala và cũng bị Pháp giết chết. Khi Khăm Mặn 13 tuổi, mẹ Khăm Mặn nghèo khổ quá đi làm thuê, bị đánh chết. Từ đó Khăm Mặn phải đi làm thuê, làm mướn, đi ăn xin lang thang hết làng này qua làng khác trên khắp vùng cao nguyên Bô Lô Vên, “hết đi chăn trâu mướn lại đi làm thuê cho ở các vườn cà phê những nhà giàu”(6). Đến năm 1952, Khăm Mặn được nhận vào bộ đội Itsala và làm liên lạc trong đội Xay Sệt Thả. Trong suốt thời kỳ này, Khăm Mặn được học tập chính trị, tập luyện quân sự và trở thành cán bộ chỉ huy … nhà văn đã khẳng định được nguồn gốc cao quý của nhân vật, khẳng định bản chất anh hùng vốn là truyền thống tốt đẹp có từ lâu trong lịch sử của người dân lao động, nó được kết tinh từ nhiều yếu tố khách quan và không ngừng phát triển qua các thế hệ nối tiếp. Đây cũng là một cách lý giải truyền thống trong sử thi cổ đại.

Để làm nổi bật phẩm chất của người anh hùng, nhà văn luôn đặt nhân vật trong những mối quan hệ với những tình huống khác nhau ở những bối cảnh khác nhau trong tác phẩm, trong đó mối quan hệ giữa người anh hùng - cộng đồng và mối quan hê giữa người anh hùng – kẻ thù được xem là hai mối quan hệ cơ bản nhất.

Trong mối quan hệ với cộng đồng, nhân vật luôn là người có ý thức tập thể, gắn bó mật thiết với quần chúng. Tập thể nhỏ của anh là Tiểu đoàn Hai, tập thể lớn chính là Mặt trận Lào yêu nước, là dân tộc Lào và lớn hơn nữa chính là giai cấp vô sản trên toàn thế giới, là nhân loại. Lời phân tích của anh trước bà con dân bản chính là những gì mà anh tâm niệm và theo đuổi bấy lâu nay, “Bộ đội Pathet Lào là con là cháu của các bố, các mẹ, của mọi nhà. Chúng con chiến đấu phục vụ lợi ích của bố mẹ và dân bản. Làm được việc đó, nhờ bố mẹ làm tai làm mắt và dạy bảo chúng con ...”(7), tinh thần tập thể của người anh hùng được lý giải trong quan niệm phải sống và chiến đấu vì nhân dân và phải dựa vào dân để sống và chiến đấu, đó cũng chính là quan niệm đặt lợi ích của cộng đồng dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Và do đó, nhân vật luôn có một niềm tin tuyệt đối vào cộng đồng, vào sự chiến thắng tất yếu của cộng đồng“Tại sao các ngài lại muốn ám hại chúng tôi. Chúng tôi biết rõ ai đã bỏ tiền ra thuê các ngài, để các ngài giết hại người cùng nòi giống của mình! ... Trước đây là bọn thực dân Pháp, nhưng chúng đã bị nhân dân Lào đánh cút về nước. Nay là đế quốc Mỹ, ngài biết chúng chứ? Nhưng không chóng thì chầy, bọn chúng sẽ cùng chung số phận thôi! Ngài hãy nhớ lấy!”(8). Người anh hùng luôn hiểu rõ sức mạnh của chân lý, của chính nghĩa. Lời nói của anh thể hiện một niềm tin chắc chắn vào con đường và lý tưởng mà anh và bao người dân Lào chân chính khác đã lựa chọn.

Nếu như niềm tin yêu mà nhân vật dành cho cộng đồng càng lớn bao nhiêu thì lòng căm thù của nhân vật đối với kẻ thù càng lớn bấy nhiêu. Lòng căm thù ấy không chỉ biểu hiện trong tư tưởng mà nó còn thể hiện bằng lời nói và hành động, để tiêu diệt kẻ thù, người anh hùng sẵn sàng chấp nhận hy sinh bản thân mình. “Bọn tay sai Mỹ khát máu bắt giam các đồng chí lãnh đạo của chúng ta, giết hại những người kháng chiến cũ, khủng bố đồng bào ta… Nếu được phép, ngay lập tức tôi sẽ ôm bộc phá lao vào hang ổ chúng!” (9). Chính lòng căm thù giặc sâu sắc, lòng yêu nước, yêu các lãnh tụ cuộc kháng chiến và yêu lý tưởng Đảng đã tạo cho anh sức mạnh phi thường làm nên những chiến công anh hùng. Xây dựng hình tượng người anh hùng Khăm Mặn trong mối quan hệ với kẻ thù, Suvănthon phát triển theo hướng miêu tả cái hùng hơn cái bi, nhà văn ít khai thác những mất mát hy sinh buồn đau của nhân vật mà chỉ tập trung khai thác yếu tố lãng mạn cách mạng nhằm cổ vũ chiến đấu. Các anh hùng cổ đại luôn hấp dẫn nhân loại bởi sức mạnh thần thánh của họ. Nó phản ánh niềm tin và ước mơ của con người về khả năng siêu phàm để chiến thắng kẻ thù; còn ở sử thi hiện đại, yếu tố phi thường như một thủ pháp nghệ thuật để thể hiện tài trí tuyệt vời của nhân vật. Bằng sự kết hợp giữa hiện thực và lý tưởng, Suvănthon đã tạo ra màu sắc huyền thoại khi miêu tả kỳ tích anh hùng của nhân vật trong cuộc tiến đánh ở Xala Côctan (phía Nam Viêng Chăn) do Khăm Mặn làm đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy. Phẩm chất anh hùng của anh được bộc lộ ngay sau khi nhận nhiệm vụ, trong khi quân đội hoàng gia (lực lượng cùng phối hợp chiến đấu) thờ ơ vô trách nhiệm, Khăm Mặn đã chủ động xây dựng cơ sở chiến đấu, bố trí trận địa, phân công bộ đội tác chiến và trực tiếp chiến đấu. Trước những tình huống bất thường xảy ra, đầu tiên là lực lượng lính phiến loạn lao xe vun vút vào trận địa, tiếp theo là hàng loạt xe tăng địch và lính đánh bộ rầm rập đổ vào trận địa, đạn súng cối của địch, pháo 105 ly từ phía Thái Lan bắn đến dồn dập, trong lúc lực lượng và súng đạn của ta quá ít khiến “mạch máu ở hai thái dương Khăm Mặn căng lên giật giật” (10). Sau phút căng thẳng, anh đã trao súng cho chỉ huy quân đội hoàng gia ở lại trận địa, còn anh “dẫn các chiến sĩ chạy xuống bờ sông, … bí mật vận động … và mai phục… Chờ 5 xe tăng địch đi khỏi và đám bộ binh địch lọt vào nơi mai phục, Khăm Mặn hạ lệnh nổ súng… Đội hình quân địch bị cắt ra từng đoạn, rối loạn, không liên lạc được với nhau”(11), năm chiếc xe tăng địch vội vã rút chạy bỏ mặc bộ binh phía sau. Trước sự chỉ huy tài tình của Khăm Mặn, tên thiếu úy Phôn chỉ huy quân đội hoàng gia đã thốt lên vẻ xúc động: “Các ngài đánh thật tuyệt! Hoan hô các ngài! Rất khâm phục các ngài!”(12). Nhưng liền ngay sau đó lại một trận chiến đấu ác liệt xảy ra, khi đại đội Khăm Mặn đến chi viện cho một đơn vị quân chính phủ đang bị bao vây thì gặp một đại đội địch đánh vào sau lưng, Khăm Mặn đã nhanh chóng bố trí đội hình án binh bất động nằm mai phục, đợi cho quân địch xả súng và tấn công đến gần, Khăm Mặn lệnh cho anh em ném lựu đạn đồng loạt và bắn mạnh vào đội hình quân địch. Sau đó “Khăm Mặn dẫn đầu đại đội xông lên đánh giáp lá cà. Trước mặt Khăm Mặn có ba tên địch đang xông tới. Súng ngắn hết đạn, anh liền nhổ một cọc rào nhanh tay gạt mạnh lưỡi lê tên đi đầu xỉa tới … Tên thứ hai vừa xông đến liền bị anh giáng một gậy vào giữa mặt … Khăm Mặn nhảy đến cướp súng và xóc lưỡi lê vào giữa ngực tên thứ ba”(13). Ngòi bút của Suvănthon khi miêu tả trận đánh như tung hoành, sảng khoái cùng chiến công của nhận vật. Người chiến sĩ Pathet Lào dưới ngòi bút của ông mang dáng dấp của người dũng sĩ mình đồng da sắt, bất khả chiến bại, có sức mạnh của thần thánh có thể tả xung hữu đột giữa bọn địch đầy xe tăng, đại bác để giành thắng lợi.

Có thể nói, những lý tưởng cao đẹp của người dân Lào trong quá khứ đã được người anh hùng mới tiếp thu và nâng cao trên cơ sở một thế giới quan mới, thế giới quan Mác xít. Là con người bình thường trong cảnh đời thực mang sắc thái lịch sử cụ thể, song ở anh lại có sự kết tinh những phẩm chất cao đẹp trong cuộc sống chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường, là người mang đạo đức cao đẹp của quần chúng, là chiến sĩ yêu nước thương dân, là người anh hùng mới của thời đại mang lý tưởng của Đảng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có lòng căm thù giặc sâu sắc và tinh thần quả cảm dám đấu tranh và dám hi sinh…

Qua hình tượng nhân vật Khăm Mặn, nhà văn đã chứng minh rằng lý tưởng cách mạng cao cả và lòng căm thù giặc sâu sắc đã dồn ý chí, sự say mê của những anh hùng tập trung về một phía và tạo cho họ một sức mạnh phi thường. Nhân vật trong tiểu thuyết của Suvănthon do đó mang vẻ đẹp lãng mạn cách mạng, một vẻ đẹp bắt nguồn từ hiện thực, gắn liền chặt chẽ với một cơ sở hiện thực sâu sắc. Đó là tính chất lãng mạn chân chính không tô vẽ thực tế, nó gắn liền với việc nhận thức bản chất anh hùng trong cuộc sống, mô tả cuộc sống trong sự vận động phát triển về tương lai. Bản thân cuộc sống đặt cơ sở cho tính hiện thực của lý tưởng và lý tưởng soi sáng cho ý nghĩa của cuộc đấu tranh.

Bằng sự kết hợp giữa hiện thực và lý tưởng, nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật Khăm Mặn trong tác phẩm như hình tượng người anh hùng chiến trận, người làm nên sự tích anh hùng của cả một tập thể Tiểu đoàn Hai, nhân vật mang đặc điểm của thời đại, phản ánh những biến động về tâm lý con người, những trào lưu chính trị - lịch sử. Ở nhân vật, lý tưởng chính trị được chuyển hóa thành những ý thức, tình cảm trong cuộc sống, là hình tượng con người – công dân, con người – hành động – chiến sĩ, là sản phẩm của một thời kỳ lịch sử, một nhân vật tư tưởng.

  1. Nghệ thuật “sử thi hóa thời gian và không gian”

* Nghệ thuật sử thi hóa thời gian

Tiểu đoàn Hai phản ánh đề tài lịch sử dân tộc bởi vậy thời gian lịch sử có vai trò quan trọng trong tác phẩm. Thời gian lịch sử đã trở thành nhân tố cơ bản, phương diện cơ bản cho sự tổng hợp mà nhà văn luôn tìm tòi, sáng tạo để tiến tới. Thời gian lịch sử sự kiện là thời gian vật lý, thời gian thực tế, thời gian độc lập khách quan, thời gian xã hội, cách mạng, chiến dịch, tức là lịch sử dân tộc được thể hiện qua các sự kiện khách quan tồn tại độc lập với ý thức người kể chuyện. Thời gian sử thi trong Tiểu đoàn Hai là thời gian bao quát các biến cố lịch sử, các sự kiện lịch sử quan trọng từ hòa hợp dân tộc lần thứ nhất (1957-1958) đến lần thứ hai (1962 – 1964). Nhà văn đã tạo ra một không khí chân thực của thời gian được phản ánh để thuyết phục bạn đọc bằng cách tạo ra những số liệu thời gian cụ thể gắn với hoạt động của con người. Thời gian lịch sử trong tiểu thuyết được gắn với ba sự kiện lớn: sự kiện Tiểu đoàn Hai rút ra khỏi Cánh đồng Chum, sự kiện Tiểu đoàn Hai hành quân giải cứu các vị lãnh tụ ra khỏi nhà tù Phôn Khêng và sự kiện Tiểu đoàn Hai quay trở lại giải phóng Cánh đồng Chum. Gắn với mỗi sự kiện lại có những mốc thời gian cụ thể phát triển theo diễn biến lịch sử và theo quan hệ nhân quả. Cốt truyện phát triển theo thời gian tuyến tính là một biểu hiện tiêu biểu trong nghệ thuật sử thi hóa thời gian của tiểu thuyết.

Tuy nhiên, thời gian lịch sử sự kiện trong tác phẩm không phải là thời gian biên niên như trong sách lịch sử, hồi ký. Nó cũng không thuần túy là lịch sử xã hội mà có sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử xã hội và lịch sử cá nhân, dù có nói đến thời gian cá nhân nhưng thời gian lịch sử vẫn là chủ đạo. “Năm 1946, cách mạng đã về, Mường Xê Pôn – quê hương yêu dấu của cô được giải phóng. Năm ấy Xô Pha vừa tròn mười tuổi. Cô xin làm liên lạc cho một đơn vị bộ đội cách mạng” (15); “Năm 1952 Khăm Mặn vào bộ đội, làm liên lạc đại đội vũ trang đánh thực dân Pháp ở Nam Lào. Thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, Khăm Mặn theo đơn vị về tập kết ở tỉnh Sầm Nưa. Ở đây, anh được học tập chính trị, dự các lớp huấn luyện quân sự, và được bổ túc văn hóa. Năm 1956, bọn quân phái hữu do Mỹ huấn luyện và trang bị, nhiều lần tiến công lấn chiếm hai tỉnh tập kết Sầm Nưa, Phông Xalỳ của Mặt trận Lào yêu nước. Khăm Mặn tham gia chiến đấu rất dũng cảm, anh cùng đồng đội bao lần đánh đuổi quân địch ra khỏi Mường Pơn (Sầm Nưa). Sau khi hiệp định Viêng Chăn năm 1957 về Lào được ký kết, thực hiện hòa hợp dân tộc lần thứ nhất, anh được đề bạt làm tiểu đội phó ở Tiểu đoàn Hai Pathet Lào” (15). Sự trưởng thành của cách mạng cũng đánh dấu sự trưởng thành của các nhân vật. Thời gian sự kiện trong tiểu thuyết luôn được nhà văn mở rộng phạm vi phản ánh bao hàm cả thời gian cá nhân và thời gian xã hội. Đó là sự miêu tả lịch sử cá nhân trong mối tương quan với lịch sử dân tộc, số phận con người gắn liền với số phận đất nước. Đây cũng là một nét đặc trưng cơ bản trong nghệ thuật sử thi hóa thời gian của nhà văn trong tác phẩm.

* Nghệ thuật “sử thi hóa không gian”

Để phản ánh những biến cố lớn, những sự kiện trọng đại, những bước ngoặt căn bản của đời sống nhân dân và lịch sử dân tộc, nhà văn đã giãn nở kích thước không gian trong tác phẩm đến tối đa, không gian trải ra trên phạm vi rộng lớn không chỉ theo suốt đất nước (Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, Viêng Chăn) mà còn vượt qua những biên giới quốc gia (Hà Nội – Viêt Nam). Để khẳng định phẩm chất anh hùng của các chiến sĩ Pathet Lào, nhà văn đã tạo ra những miền không gian hoành tráng, là môi trường thuận lợi để các anh hùng hoạt động. Phẩm chất anh hùng không cho phép họ tự giam mình trong một không gian chật hẹp, tù đọng. Người có chí lớn thì phải làm việc lớn, muốn làm việc lớn thì phải từng trải, không gian do đó luôn được mở rộng theo bước chân nhân vật, trong đó không gian rừng núi, không gian con đường trở nên quen thuộc và được lặp lại nhiều trong tác phẩm. Hình tượng núi Phu (Hủa Xạng) ở bản Pha là một không gian thử thách để qua đó nhà văn khắc họa ý thức cộng đồng, tình đoàn kết đấu tranh, ý chí quyết tâm và lòng quả cảm của các chiến sĩ Pathet Lào trong chặng đường đầu rút quân ra khỏi Cánh đồng Chum.

Để dựng lên một không gian hoành tráng, dung chứa nhiều loại không gian khác nhau, nhà văn đã chọn một không gian điểm để từ đó triển khai ra các không gian khác. Không gian điểm trong tác phẩm là Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng. Trong không gian cộng đồng ấy, những chiến sĩ Pathet Lào được trưởng thành trong môi trường tập thể, trong niềm tin yêu và sự che chở đùm bọc của bà con dân bản. Họ luôn đoàn kết sát cánh bên nhau, vừa tăng gia sản xuất vừa lên kế hoạch tác chiến nhằm phá tan âm mưu bao vây của địch, số phận của mỗi người luôn gắn với số phận của cả tiểu đoàn và gắn với số phận của cả dân tộc. Cũng từ Cánh đồng Chum anh em Tiểu đoàn Hai đã phá vòng vây của địch, hành quân về khu căn cứ cách mạng, mở rộng các hoạt động đấu tranh ở thủ đô Viêng Chăn và sau đó “một năm bảy tháng mười ba ngày” lại quay trở lại giải phóng Cánh đồng Chum. Không gian Cánh đồng Chum trở thành một chủ đề lớn của tác phẩm, trong không gian ấy, có sự bao vây hoành hành của quân địch, có chiến đấu, hi sinh, mất mát nhưng cũng có tình yêu và hòa bình. Các nhân vật liên tục vận động qua các miền không gian khác nhau nhưng cuối cùng vẫn hội tụ ở Cách đồng Chum – Xiêng Khoảng.

Ngoài không gian rừng núi, không gian điểm, không gian chiến trường cũng được nhà văn miêu tả khá sinh động trên rất nhiều phương tiện và có thể cảm nhận bằng tất cả các giác quan. Bức tranh không gian tại trận địa Xala Cốctan do Khăm Mặn làm đại đội trưởng là một không gian hoành tráng mang âm hưởng sử thi sâu sắc. Không gian ấy được mở ra trong màn khói mù mịt của đạn pháo, đoàn xe tăng như những lô cốt của địch nối đuôi nhau tiến vào sát trận địa, súng đại liên, trung liên, súng cối, ĐKZ 57 ly ... bắn như vãi đạn vào đại đội, lính khăn trắng của địch reo hò xông lên ... cuộc chiến đấu giáp lá cà với địch diễn ra ác liệt. Qua việc miêu tả không gian chiến trường nguy hiểm và khắc nghiệt, nhà văn đã tạo ra những thử thách đối với người anh hùng, đó là thước đo phẩm chất anh hùng cách mạng cũng là môi trường rèn luyện sức chịu đựng gian khổ, lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết của các chiến sĩ Pathet Lào.

Tiểu đoàn Hai là một trong những tác phẩm khẳng định tài năng và phong cách của Suvănthon. Qua kết cấu cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, thời gian và không gian, người đọc có thể tìm thấy ở tác phẩm những nét tiêu biểu của một thiên sử thi của dân tộc Lào. Tiểu đoàn Hai ra đời là biểu hiện của sự phát triển kế tiếp thể loại tiểu thuyết sử thi của khu vực và thế giới.

* Chú thích:

(1)  Tuyển tập Phan Cự Đệ (2000), Nxb Văn học, Hà Nội, tr 566

 (2) Trần Đình Sử (cb) (2008), Tự sự học (Một số vấn đề lý luận và lịch sử), phần 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr. 373

(4) ) Sđd, tr. 355

(5) Chuyển dẫn theo Phạm Ngọc Hiền, (2007), Thi pháp tiểu thuyết sử thi Việt Nam 1945 - 1975. Luận án Tiến Sĩ bảo vệ tại Viện Văn học, Viện KHXH.

(6) Tiểu đoàn Hai Pathet Lào (Hùng Phi dịch) (1984), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, trang 14

(7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), Sách đã dẫn lần lượt theo thứ tự các trang 14, 22, 81, 178, 239, 240, 241, 135, 14 – 15

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Thạc sĩ Lê Thị Hòa, Phòng Nghiên cứu Lào, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

[2] “Thi pháp học là khoa học về các hình thức, các dạng thức, các phương tiện, phương thức tổ chức tác phẩm của sáng tác ngôn từ, về các kiểu cấu trúc và các thể loại tác phẩm văn học” , “ Thi pháp học là khoa học cấu tạo của tác phẩm văn học và hệ thống các phương tiện thẩm mỹ mà chúng sử dụng” (Chuyển dẫn theo Trần Đình Sử (1999), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr 5)

 



Các tin đã đưa ngày:

Nội dung thông báo đang được cập nhật

Quảng cáo